Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thường kỳ

Thứ năm, 06/04/2023 18:05

Chiều ngày 06/4/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo.

Dự họp báo có lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo Cục Viễn Thông, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Báo chí, Cục Thông tin đối ngoại, Văn phòng Bộ, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Trung tâm Thông tin và đại diện một số doanh nghiệp liên quan cùng các nhà báo, phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí.

20230406-pg1-TT2.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm - Người phát ngôn của Bộ TT&TT cho biết, trong hoạt động quản lý nhà nước những năm qua, Bộ TT&TT đã tổ chức các cuộc gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo chí, có họp báo thường kỳ, có họp báo gắn với sự kiện lớn. Bắt đầu từ năm nay, theo tinh thần Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bộ sẽ tổ chức họp báo thường kỳ hàng tháng để cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT và các vấn đề mà báo chí và người dân quan tâm. 

Trung tâm Thông tin, đơn vị quản lý Cổng Thông tin điện tử của Bộ TT&TT được Bộ trưởng giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối chuẩn bị nội dung các cuộc họp báo thường kỳ. 

20230406-pg1-VP.jpg

Bà Hoàng Thị Phương Lựu - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ TT&TT báo cáo tổng quan về tình hình phát triển ngành TT&TT

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ mong muốn các cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ các nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Một số kết quả nổi bật trong 3 tháng đầu năm 2023

Trong tháng 3/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt: 325.565 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với tháng 2. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ; tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm.

20230406-pg1-PTTH.jpg

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát biểu tại họp báo

Nộp ngân sách nhà nước ước đạt: 8.872 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với tháng 2. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 24.455 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong Quý I/2023 là 13,6%, tăng 3,99% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ trọng Kinh tế số trong GDP Quý I/2023 là 14,62%.

Về số nhiệm vụ trọng tâm, trong tháng 4, Bộ sẽ triển khai thực hiện: Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4 năm 2023; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về Phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án chuyển hướng hỗ trợ thiết bị cho các học sinh, sinh viên hộ nghèo tiếp cận thông tin từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; phương án thực hiện nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; Xây dựng kế hoạch, giải pháp, chỉ đạo, điều phối doanh nghiệp viễn thông xử lý triệt để “rác” viễn thông; Triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023; Tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia; Triển khai chấm điểm chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2022; Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử tổng hợp, báo hoá mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hoá báo chí; Triển khai Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Hai năm 2023 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Khai trương gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho công dân tại Phố đi bộ Quận Hoàn Kiếm ngày 08/4/2023. 

Giải đáp nhiều vấn đề báo chí quan tâm

Tại buổi họp báo, đại diện các Cục Viễn thông, Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử và Trung tâm Internet Việt Nam đã cung cấp thông tin, làm rõ các vấn đề đang được dư luận quan tâm, như: Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, cơ chế đối soát online với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an; Thông tin về một số vi phạm của Tiktok và một số nền tảng xuyên biên giới; Tra cứu thông tin tên miền để phòng ngừa các hành vi lừa đảo trên không gian mạng…

20230406-pg1-CVT.jpg

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông 

Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động 

Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động có thông tin không đúng trùng khớp giữa CSDL của doanh nghiệp và CSDL quốc gia về dân cư đang là vấn đề được báo chí và người dân đặc biệt quan tâm. 

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, qua đối soát thông tin trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát hiện còn 3,84 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp giữa CSDL tại doanh nghiệp di động và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, đến hết 31/3/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao đã có 2,17 triệu thuê bao, chiếm 56,49% thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo; 1,67 triệu thuê bao (43,51%) chưa thực hiện chuẩn hóa theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều gọi đi, gửi tin nhắn theo quy định.

20230406-pg1-tc.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Trong năm ngày đầu tháng 4, các doanh nghiệp viễn thông vẫn tiếp tục ghi nhận khoảng 226 nghìn thuê bao (chiếm 13,5%) đã bị khóa một chiều đến thực hiện chuẩn hóa để mở lại dịch vụ.

Đại diện Cục Viễn thông ghi nhận, trong đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này, các doanh nghiệp di động đã triển khai tính năng chuẩn hóa thông tin thuê bao trên ứng dụng của điện thoại thông minh, trang web; mở thêm giờ tại các điểm giao dịch đông khách hàng, tăng cường nhân lực chăm sóc khách hàng, cá thể hóa việc chăm sóc khách hàng để tạo điều kiện, đảm bảo thông tin đầy đủ và ít ảnh hưởng nhất tới người sử dụng. 

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đặc biệt cảm ơn sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông tử phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội,.. đến hệ thống truyền thanh không dây đã đồng hành cùng Bộ TT&TT và các nhà mạng viễn thông trong hai tuần vừa qua với hàng loạt các tin bài hướng dẫn người sử dụng các cách thức chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. 

Đối với câu hỏi của phóng viên báo Hà Nội mới về việc các nhà mạng lớn trên thế giới đề xuất phương án chính sách viễn thông chia sẻ công bằng, đấu tranh với công ty big tech để chia sẻ chi phí hạ tầng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện đúng là trên thế giới đang có xu thế này. Các nhà mạng viễn thông đã phải đầu tư lớn cho hạ tầng, cho vận hành khai thác, số thuê bao lớn nhưng doanh thu, lợi nhuận ngày càng đi xuống vì người dùng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT xuyên biên giới. Đây là một áp lực lớn cho các doanh nghiệp viễn thông. Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi sẽ có những nội dung liên quan đến các vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời đảm bảo doanh nghiệp có thể hoàn vốn và đầu tư cho các dịch vụ mới.

Thông tin về một số vi phạm của Tiktok và một số nền tảng xuyên biên giới

Liên quan đến một số vi phạm của Tiktok với nội dung xấu độc, phản cảm, thông tin sai sự thật trên nền tảng này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH &TTĐT) cho biết, trong 3 năm vừa qua, Tiktok đã phát triển rất mạnh với số lượng người dùng tăng nhanh tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên sự phát triển này lại không đi đôi với trách nhiệm quản lý giữ gìn nền tảng an toàn, lành mạnh với người dùng. Từ năm 2022 đến nay, nền tảng Tiktok có nhiều nội dung chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật. Nghiêm trọng hơn, Tiktok còn sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động tạo ra xu hướng (trend) độc hại, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, người dùng. Không có biện pháp kiểm  soát hiệu quả dẫn đến tình trạng nhiều hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên Tiktok shop. Không quản lý chặt chẽ để một số idol (thần tượng) sử dụng nền tảng của mình truyền bá nội dung lệch lạc, lệch chuẩn, nhảm nhí, thiếu văn hóa. Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là phim ảnh; Không có biện pháp quản lý việc người dùng Tiktok tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư của người khác, vi phạm nghiêm trọng quyền bảo vệ cá nhân riêng tư của con người. 

Về giải pháp đối với những vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do cho biết, sắp tới Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông… để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam; Phối hợp với các bộ ngành liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của Tiktok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; Nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét; Xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh; Phối hợp với Bộ Công thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của Tiktok Shop tại Việt Nam.  

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam về đánh giá về thực trạng phòng chống tin giả ở Việt Nam, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT cho biết, từ năm  2018 đến nay, Bộ đã có những bước tiến đột phá trong chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền tảng mạng xã hội, nhất là mạng xã hội xuyên biên giới, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và việc ngăn chặn, gỡ bỏ tin giả khó hơn nhiều đối với nền tảng xuyên biên giới. Hiện chúng ta đang nỗ lực đưa tin giả về mức có thể kiểm soát được nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, Bộ tài liệu "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" được phát hành theo hình thức sách in, sách điện tử, đồng thời  được phổ biến trên các mạng xã hội lớn thông qua hình thức các video clip ngắn, dễ hiểu thực sự phát huy hiệu quả, trang bị cho tổ chức, người dân những kiến thức cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.

 Sự phát triển của các lĩnh vực trong quý I/2023

Về Bưu chính

Về bưu chính, chuyển phát: Sản lượng bưu gửi tháng 3/2023 ước đạt 176 triệu bưu gửi; doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.360 tỷ đồng. Trong tháng 3/2023, Bộ TTTT đã tổ chức triển khai thí điểm nền tảng địa chỉ số tại 02 xã, phường của tỉnh Hà Nam và tỉnh Thái Bình để làm hình mẫu nhân rộng cả nước.

Về Viễn thông

Trong tháng 3/2023, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hoá có thông tin thuê bao đúng quy định, đáp ứng mục tiêu tất cả các thuê bao đang hoạt động phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp.

Đến hết 31/3/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định cần chuẩn hóa do có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau đối soát, có dấu hiệu có thông tin không đúng quy định, đã có 2,17 triệu thuê bao (56,49%) thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo; còn 1,67 triệu thuê bao (43,51%) không thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều theo quy định.

Từ 01/3/2023, triển khai Cổng tra cứu thông tin website, tên miền: https://tracuutenmien.gov.vn hoặc nhắn tin qua đầu số 156 hỗ trợ người dân nhận diện, xác thực nguồn thông tin chính thức khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên Internet. Đến nay, có 65.040 lượt tra cứu (trong đó qua SMS 156: 5.677 lượt; website 59.363 lượt).

Về Chuyển đổi số quốc gia

Tham mưu ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 tại Quyết định số 17/QĐ-UBQG CĐS ngày 04/4/2023 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Ban hành Quyết định số 516/QĐ-BTTTT ngày 31/3/2023, về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” của Bộ TTTT với chủ đề của năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. Trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu là: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Về Chính phủ số

Trong Quý I năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tính từ 21/02/2023-20/3/2023:

- Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ: 50,61%, tăng 2,84% so với tháng trước (47,77%). Mục tiêu 2023: 80%.

- Tỷ lệ DVCTT mức độ toàn trình đủ điều kiện : 77,08% tăng 2,36% so với tháng trước (74,72%). Mục tiêu 2023: 100%.

- Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ của các DVCTT toàn trình: 54,80%, tăng 6,06% so với tháng trước (48,74%). Mục tiêu 2023: 60%.

19/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 63/63 địa phương đã ban hành Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0

- Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong tháng 3 năm 2023 là 40.513.165 giao dịch.

Về An toàn thông tin mạng

Về tình hình an toàn thông tin mạng trong tháng 3: Số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet: 392.108 địa chỉ (giảm 50,3% cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,5% so với tháng 02/2023).

Trong tháng 03/2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 525 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (407 cuộc Phishing, 65 cuộc Deface, 53 cuộc Malware), giảm 68,9 % so với tháng 02/2023 (1.687 cuộc), giảm 49,3% so với cùng kỳ tháng 03/2022 (1.035 cuộc).

Về Kinh tế số

Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-BTTTT ngày 13/3/2023 về tiêu chí, quy định công nhận cá nhân, tổ chức tư vấn thuộc Mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Kết quả Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp (tính đến ngày 17/03/2023): Số lượng doanh nghiệp SME tiếp cận Chương trình: 749.665 doanh nghiệp (tăng 17.502 doanh nghiệp, tăng trưởng 2,3% so với tháng 02/2023). Số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình: 107.221 doanh nghiệp (tăng trưởng 17.213 doanh nghiệp, tăng trưởng 16% so với tháng 02/2023).

Về xã hội số: Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 7 ứng dụng có số lượng người dùng thường xuyên trên 10 triệu người dùng hàng tháng (Zalo, Zing Mp3, Baomoi, Momo, MB Bank, My Viettel, Vietcombank), 12 ứng dụng có từ 5-10 triệu người dùng hàng tháng và 67 ứng dụng có từ 1-5 triệu người dùng hàng tháng. Mạng xã hội vẫn là lĩnh vực được người dùng điện thoại yêu thích nhất, tiếp đến là các sàn TMĐT và trò chơi điện tử.

Về Công nghiệp ICT

Ước tính đến hết tháng 3/2023: doanh thu công nghiệp CNTT 03 tháng đầu năm 2023: ước đạt 32,8 tỷ USD giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử: ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD giảm 9,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sản lượng xuất khẩu các tháng đầu năm đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Về Báo chí, truyền thông

Bộ TT&TT đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo”. Đồng thời, tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 và Hội nghị Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam: Tầm nhìn mới cho game Việt nhằm tiếp tục chuỗi hoạt động kết nối và phát triển ngành.

Đối với công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ TTTT tiếp tục làm việc với một số doanh nghiệp/nền tảng lớn như: Apple, Google, Facebook, Tiktok…về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam; xử lý các tài khoản cá nhân/tổ chức có dấu hiệu vi phạm và đề xuất các giải pháp quản lý nội dung trên không gian mạng.

Công tác điều hòa thông tin trên báo chí tháng 3/2023: Tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí chiếm 22%; Tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí chiếm 58%.

Về Xuất bản

Trong tháng 3/2023, Bộ TTTT đã triển khai công tác tổ chức và phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa - Thiên Huế; Hội nghị sơ kết đánh giá 01 năm triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường sách tinh gọn.

Kết quả nổi bật của lĩnh vực: Số đầu xuất bản phẩm in trong tháng 03 là 2.500 đầu xuất bản phẩm, giảm 1.000 đầu XBP so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 500 đầu XBP so với tháng 02/2023. Doanh thu lĩnh vực in trong tháng 03 đạt 6.407 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 14% so với tháng 02/2023.

 

 

Giang Phạm, Ảnh: Đức Huy
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top