Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, chuẩn bị kết thúc năm 2021, các đơn vị thuộc Bộ đều đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch công tác cụ thể cho năm 2022 và kế hoạch trung hạn 3 năm (2022-2024). Tinh thần chung của năm 2022 là phục hồi và phát triển kinh tế sau 2 năm đại dịch covid-19. Do đó, cần phải xác định, gọi tên được những việc quan trọng cần làm, từ đó quyết tâm thực hiện, triển khai nhằm tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị phải khẩn trương tổ chức tổng kết để chuẩn bị cho tổng kết Bộ dự kiến vào cuối tháng 12. Năm 2021 là một năm có nhiều biến động với đại dịch covid-19 gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, các đơn vị trong quá trình tổng kết cần rút ra những bài học kinh nghiệm từ những hoạt động của mình trong năm vừa qua, coi đây là hành trang quý giá để đi tiếp trên chặng đường mới. Đây là việc quan trọng cần phải làm, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, xu hướng phát triển của tất cả các doanh nghiệp là đều trở thành doanh nghiệp công nghệ. Theo xu hướng đó, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ trên mọi lĩnh vực hoạt động của mình với kim chỉ nam: Đầu tư vào công nghệ phải thực sự mang lại giá trị, hiệu quả cho đơn vị mình.
Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 11/2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money cho cả ba nhà mạng di động Viettel, VNPT, Mobifone. Bộ trưởng đặt ra mục tiêu: 100% người dùng điện thoại sử dụng dịch vụ Mobile Money. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo Cục Viễn thông họp bàn với các nhà mạng cùng tìm ra giải pháp thực hiện mục tiêu này. Nhiều người dùng Mobile Money sẽ thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế số.
Bộ trưởng lưu ý, hiện nay Bộ đang cử một số cán bộ biệt phái tại các địa phương trên cả nước như Hậu Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Bà Rịa Vũng Tàu, Thái Nguyên…. nhằm hỗ trợ các địa phương này trong tiến trình chuyển đổi số. Vụ Tổ chức cán bộ phải thường xuyên duy trì chế độ báo cáo với các cán bộ biệt phái và hỗ trợ tối đa để các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ được giao; Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị bảo đảm duy trì công tác giao ban nội bộ hàng tuần để rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.
Tết Nguyên đán đang tới gần, thủ trưởng các đơn vị cần quan tâm, bảo đảm chăm lo đời sống cho các CBCCVC&NLĐ đón Tết ấm áp, vui tươi và đầy đủ hơn năm trước, Bộ trưởng chỉ đạo./.
Tổng quan về toàn ngành TT&TT năm 2021 Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.462.170 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020 (đạt 100% kế hoạch). Lợi nhuận toàn ngành đạt 264.761 tỷ đồng, tăng 2,6% so với 2020 (đạt 95% kế hoạch năm). Trong lĩnh vực bưu chính, năm 2021 doanh thu đạt 37 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 89% kế hoạch năm). Lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ (74% kế hoạch năm). Trong lĩnh vực viễn thông, doanh thu đạt 130.768 tỷ đồng (cao hơn năm 2020), lợi nhuận đạt 42.764 tỷ đồng (thấp hơn so với năm 2020). Trong lĩnh vực Ứng dụng CNTT, tỷ lệ DVCTT mức 4/tổng số DVCTT đạt 50% (tăng 62% so với 2020). Tỷ lệ DVCTT mức độ 3,4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến/ tổng số DVCTT mức độ 3,4: giảm so với năm 2020 vì số lượng DVCTT mức độ 3,4 tăng mạnh (tăng 24%). Doanh thu lĩnh vực An toàn thông tin mạng đạt 3.889 tỷ đồng, tăng so với con số 3.297 tỷ đồng của năm 2020. Trong lĩnh vực Công nghiệp ICT, doanh thu đạt khoảng 3.151 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp ICT Việt Nam đạt 434,68 nghìn tỷ đồng (chiếm 14%), phần doanh thu còn lại thuộc về các doanh nghiệp vốn FDI. Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT: 777.015 tỷ đồng (chiếm 25%). |