Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tới hơn 60 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham dự của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các Sở TT&TT, các doanh nghiệp, các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực TT&TT.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã trình bày khái quát hoạt động của ngành Thông tin và Truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.405 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,66% so với kế hoạch năm 2023.
Đóng góp của ngành TT&TT vào GDP ước đạt 389.792 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 41,24% so với kế hoạch năm 2023. Việc sụt giảm doanh thu là từ mảng công nghiệp ICT. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2023 ước khoảng 1.512.144 lao động, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực bưu chính, viễn thông tiếp tục tăng trưởng
Doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 27.477 tỷ đồng, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm 2022 đạt 43,78% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 2.970 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 50,34% kế hoạch năm 2023. Tổng sản lượng bưu gửi trong 6 tháng ước đạt 1.098 triệu bưu gửi, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 45,74% kế hoạch năm 2023.
Doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 53% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 19.338 tỷ đồng, giảm 18,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 39,47% kế hoạch năm 2023.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long trình bày khái quát hoạt động của ngành thông tin truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2023
Số lượng doanh nghiệp công nghệ số vẫn tăng, dù thị trường gặp nhiều khó khăn
Trong lĩnh vực công nghiệp ICT, số doanh nghiệp công nghệ số cả nước đến nay đạt khoảng 72.000 doanh nghiệp, tăng 6,70% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, doanh thu trong 6 tháng đầu năm của lĩnh vực đạt hơn 1,44 triệu tỷ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỷ USD, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023.
Nguyên nhân sụt giảm doanh thu do suy thoái kinh tế ở nhiều nước, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp, tác động trực tiếp đến nhu cầu thị trường dịch vụ công nghệ thông tin.
63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị về chuyển đổi số
Tổng giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính đến hết tháng 6/2023 là 287.620.511 triệu giao dịch, đạt 33% kế hoạch năm 2023 (860 triệu giao dịch).
22/22 Bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử 2.0. 22/22 Bộ, ngành đã ban hành kế hoạch/đề án về CĐS.
Tính đến ngày 18/6/2023, cả nước thành lập 74.521 Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại 63/63 địa phương với 348.629 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố. Có 52/63 địa phương hoàn thành 100% đến cấp xã.
Tính đến ngày 19/6/2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình đủ điều kiện ước đạt 90,66%, đạt 90,66% kế hoạch năm 2023 (mục tiêu năm 2023 là 100%). Hiện có 80/83 Bộ, tỉnh đã ban hành danh mục DVCTT toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP (Hà Nội, Nam Định, Đắk Nông chưa ban hành).
63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị về CĐS, kế hoạch/đề án về CĐS và kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS.
Lĩnh vực An toàn thông tin (ATTT) mạng tăng trưởng 14,3%
Doanh thu lĩnh vực ước đạt 2.154 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022 (1.885 tỷ đồng), đạt 39,35% kế hoạch năm 2023 (5.474 tỷ đồng).
Số lượng lao động tại các DN hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng ước khoảng 3.600 lao động, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2022 (3.226 lao động) và đạt 90% kế hoạch năm 2023 (4.000 lao động).
Bộ TT&TT đã xây dựng và đưa vào hoạt động 02 nền tảng: Hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và hỗ trợ điều tra số để hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quản lý nhà nước và thực thi bảo đảm ATTT; Đẩy mạnh hoạt động rà soát, phát hiện, xử lý các trang web lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng; Cảnh báo và hướng dẫn khắc phục các điểm yếu, lỗ hổng nghiêm trọng có nguy cơ mất ATTT đối với các hệ thống thông tin.
Điểm mới trong hội nghị là phiên tọa đàm giữa Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các đồng chí Thứ trưởng với các đại biểu tham dự hội nghị với nhiều chủ đề thú vị liên quan đến Bộ, Ngành
Lĩnh vực báo chí ghi nhận những thay đổi quan trọng
Đó là sự thay đổi nhận thức về công tác truyền thông chính sách; Thúc đẩy CĐS báo chí; Tăng cường kiểm tra các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như TikTok, Facebook...
Bộ TT&TT đã triển khai hiệu việc ngăn chặn thông tin xấu độc trong các tình huống đặc biệt ảnh hưởng an ninh quốc gia như vụ việc ở Đắk Lắk; Bắt đầu nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo của các nhãn hàng trong nước từ nền tảng xuyên biên giới về các báo, các trang, kênh nội dung sạch.
Doanh thu lĩnh vực báo chí 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20,495 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 47,28% kế hoạch năm 2023.
Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 17,2 triệu thuê bao, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời ước đạt khoảng 93%, không đổi so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượng lao động trong lĩnh vực báo chí ước khoảng 71.830, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 98,7% kế hoạch năm 2023.
Lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành tăng 10%
Doanh thu lĩnh vực ước đạt 44,561 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt 1,898 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022. Đóng góp vào GDP ước đạt 13,091 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, hoạt động ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam 21/4 đã được tổ chức thành công với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn diễn ra tại nhiều Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần quan trọng thúc đẩy xuất bản và văn hoá đọc phát triển.
Lời giải cho chuyển đổi số Việt Nam là nền tảng số Việt Nam
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ một số định hướng mới trong công tác của ngành TT&TT.
Theo Bộ trưởng, muốn phát triển bền vững, muốn đi nhanh, đi xa thì cần phải có lý luận, ứng biến, linh hoạt, ngắn hạn thì cũng phải kết hợp các định hướng, mục tiêu chung và dài hạn. Lý luận không chỉ ở tầm quốc gia mà phải cả ở tầm tổ chức. Trong một thế giới mọi sự đang thay đổi rất nhanh, rất khó đoán định, rất khó nhìn thấy hết ý nghĩa của những sự kiện, không có lý luận thì người đứng đầu tổ chức khó ra được quyết định lớn.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Để phát triển nhanh, bền vững và bao trùm thì công nghệ số phải là lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số phải là một nguồn lực cơ bản và đổi mới sáng tạo số phải là động lực cơ bản”. Muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải đi đều “2 chân”: Phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc và đi nhanh về cái mới thông qua một số đầu tàu. Từ cái mới triển khai thành công của các đầu tàu thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập là việc quan trọng của quản lý nhà nước.
Bộ trưởng cũng lưu ý, chuyển đổi số nếu không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ công cuộc này sẽ không phải là người Việt Nam. Chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thời chuyển đổi số thì phải có đầu tư tập trung; lời giải chuyển đổi số Việt Nam là nền tảng số Việt Nam; bảo vệ an toàn cho người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng; phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đi từ dịch vụ đến công nghiệp và từ đó đến công nghệ; truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vì vậy chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy và có ngân sách hàng năm cho truyền thông, đặt hàng báo chí; báo chí cách mạng cần được đầu tư công nghệ để mỗi cơ quan báo chí trở thành một nền tảng số...
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết
Đối với từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra các định hướng lớn trong thời gian tới, đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2023.
Về lĩnh vực Bưu chính, giờ đây gốc là phải tạo ra thương mại điện tử (TMĐT) và mua bán online, chuyển phát không phải là gốc. Không làm gốc mà chỉ làm ngọn thì không bền vững. “Công nghệ cũng vậy, sẽ khó bền vững nếu không làm gốc. Cuộc sống là vậy, nếu làm ngọn thì khó bền”.
Về hạ tầng số, theo Bộ trưởng, hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Dung lượng phải siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn, phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số và công dân số. 5G và đám mây (Cloud) là 2 thành tố quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Cả hai hạ tầng này sẽ được triển khai mạnh mẽ từ năm nay để đến năm 2025, Việt Nam có hạ tầng 5G và đám mây hiện đại.
Bộ trưởng khẳng định, “Trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số, người đó nắm dữ liệu và có tính quyết định. CĐS Việt Nam phải dựa trên các nền tảng số Việt Nam để Việt Nam được hưởng lợi”. Các nhà mạng Việt Nam phải bảo vệ người dùng viễn thông, người dùng Internet. Trách nhiệm căn bản của nhà mạng là bảo vệ khách hàng của mình. Viettel, VNPT và MobiFone phải chú ý gánh trách nhiệm. Bảo vệ ở mức cơ bản thì miễn phí, giá trị tăng thêm thì thu phí.
Đối với phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam, phải đi từ dịch vụ cho tới công nghiệp. Không làm chủ, không phát triển công nghệ lõi thì không thể cường thịnh.
Đối với lĩnh vực báo chí truyền thông, theo Bộ trưởng, truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, bởi vậy chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy và có ngân sách hàng năm cho công tác truyền thông để đặt hàng báo chí. Ở thời điểm hiện nay, công cụ, vũ khí của báo chí không chỉ là cây bút, trang giấy, mà còn là công nghệ. Không có vũ khí hiện đại thì không thể chiến đấu trong thời hiện đại. Do đó, báo chí cách mạng cần được đầu tư công nghệ để mỗi cơ quan báo chí trở thành một nền tảng số.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và chỉ rõ một số nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng tập trung trong 6 tháng cuối năm để tạo ra những thay đổi thực chất, thiết thực. Đó là: Ra mắt nền tảng CĐS cho các cơ quan báo chí, nền tảng CĐS cho các trường dạy nghề và đại học, nền tảng số đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngành TT&TT, nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân, Tổ CNSCĐ, cán bộ công chức. Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kĩ thuật và hướng dẫn xây dựng đơn giá cho các lĩnh vực Bộ TT&TT. Trình chính phủ ban hành một số chiến lược quốc gia quan trọng như Chiến lược Công nghiệp Công nghệ số, Chiến lược Công nghiệp bán dẫn, chiến lược dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân sự toàn quốc có thể bổ sung vào các vị trí lãnh đạo, các đơn vị của Bộ. Thương mại hóa 5G và Cloud. đảm bảo an toàn số ở mức cơ bản cho người dân trên không gian mạng; phát triển trợ lý ảo cho công, viên chức nhà nước.../.