Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế

Thứ tư, 01/12/2021 21:02

Sáng ngày 01/12, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác số 5 của Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu làm trưởng đoàn.

Cùng dự về phía Bộ TT&TT có các đồng chí thứ trưởng: Phan Tâm, Phạm Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan.

Bo-truong-phat-bieu.jpg 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh cho biết: Ngày 17/5/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 -NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. "Đây là Nghị quyết đầu tiên nêu trực diện về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị", đồng chí Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Để có cơ sở tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị chủ trương quản lý và tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, đồng chí Nguyễn Thị Thanh đề nghị các thành viên Đoàn khảo sát và đại diện Bộ TT&TT tập trung đánh giá kết quả, những ưu điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quản lý biên chế, giai đoạn 2016 - 2021; việc tinh giản biên chế có nâng cao được chất lượng đội ngũ, thu hút được người có đức, có tài vào bộ máy hay không; mối quan hệ giữa đề xuất tăng biên chế giai đoạn 2022 - 2026 với việc đề xuất kiện toàn lại cơ cấu tổ chức của Bộ; giải pháp bảo đảm thực hiện hài hòa 3 yếu tố sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đồng thời phải tăng chất lượng đội ngũ CBCCVC... Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực gắn liền với chuyển đổi số, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyên môn thì Bộ có giải pháp như thế nào trong thu hút, sắp xếp, quản lý biên chế nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng không làm tăng biên chế, phình bộ máy? 

Pho-TB-TCTW-phat-bieu.jpg

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Theo Báo cáo của Bộ TT&TT, thực hiện Nghị quyết số 39/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, từ năm 2015 đến hết năm 2021 tỷ lệ tinh giản biên chế đạt tối thiểu 10% CBCCVC được giao. Cụ thể đã giảm tổng cộng 103 công chức (trong đó có 79 biên chế cắt giảm theo tỷ lệ hàng năm của Bộ Nội vụ, 24 biên chế cắt giảm do giao vượt từ năm 2012), giảm 87 chỉ tiêu viên chức, giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 03 công chức và 14 viên chức. Đã giảm 01 cơ quan hành chính thuộc Bộ; 21 phòng thuộc Vụ, Văn phòng, Thanh tra, Cục; 04 phòng thuộc Đại diện Văn phòng Bộ; 08 phòng thuộc đơn vị tương đương chi cục. Giảm 04 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ và có 2 đơn vị sự nghiệp tăng mức độ tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên; giảm 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục và có 02 đơn vị sự nghiệp thuộc Cục tăng mức độ tự chủ kinh phí hoạt động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nếu muốn đất nước phát triển hùng cường thịnh vượng thì phải có đôi cánh. Một bên cánh là công nghệ và chủ yếu là công nghệ số. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng chủ yếu là công nghệ số. Đổi mới sáng tạo cũng xoay quanh công nghệ số. Ở cánh thứ hai, đất nước muốn bay lên thì phải có khát vọng. Để tạo nên khát vọng ấy thì báo chí truyền thông là chính. Thế nên báo chí nhận lấy sứ mạng thổi bùng lên khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT rất nhiều nhiệm vụ mới trên cơ sở các lĩnh vực quản lý của Bộ. Bộ trưởng cho biết, các lĩnh vực phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Trong đó, Bưu chính trước là chuyển phát thư thì trở thành hạ tầng logistic; hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số; Ứng dụng CNTT thành chuyển đổi số; An toàn thông tin hướng tới trở thành cường quốc về an toàn an ninh mạng; Công nghiệp điện tử viễn thông trước là nước ngoài làm thì giờ là Make in Vietnam.

Tóm lại, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, ngành TT&TT có những sự thay đổi rất lớn, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều nhưng biên chế lại giảm đi. Bộ trưởng cho rằng: Gốc vấn đề là giải quyết các việc khó. Việc khó ở đây là định nghĩa lại, thiết kế lại tổ chức; áp dụng công nghệ vào quản lý. Nếu giảm biên chế kiểu “cào bằng”, theo cơ học thì sẽ làm hỏng tổ chức, làm ảnh hưởng đến đất nước.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đã đạt được của Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT trong việc thực hiện các chỉ tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 39 đề ra trong thời gian qua. Đồng chí cũng đề nghị Bộ TT&TT bổ sung thêm các ý kiến, kiến nghị được nêu tại buổi làm việc để Đoàn công tác có cơ sở tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, từ đó xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị một cách sát thực, đảm bảo khung biên chế giai đoạn 2022-2026 phù hợp.

Đức Huy
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top