Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành Dự thảo chiến lược phát triển Thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Thứ sáu, 27/09/2013 11:07

Thực hiện chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2013, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010, phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển các loại hình thông tin ở Việt Nam, xu hướng phát triển và kinh nghiệm quản lý thông tin trên thế giới và ý kiến góp ý, thẩm định của các Bộ ngành liên quan, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

img

Toàn cảnh buổi họp sáng ngày 27/9/2013 của Lãnh đạo Bộ với với Viện Chiến lược về Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thông tin là nhu cầu thiết yếu của mọi người dân, thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Với dung lượng khổng lồ, thời lượng lớn, các hình thức đa dạng, thông tin và các phương tiện truyền thông có vai trò ngày càng quan trọng trong thế giới hôm nay. Thông tin tạo ra dư luận, chi phối dư luận, tác động ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của con người. Vì vậy, thông tin chính là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, con người.

Không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa – tinh thần của toàn xã hội, thông tin còn đóng vai trò quan trọng trong quốc phòng – an ninh. Cùng với các loại hình chiến tranh truyền thống, chiến tranh thông tin đã và đang xuất hiện như một loại hình chiến tranh mới, trong đó bao gồm các biến thể khác nhau như: chiến tranh tình báo, chiến tranh tâm lý, chiến tranh điện tử… Vũ khí chủ yếu để tiến hành chiến tranh thông tin là các phương tiện thông tin đại chúng quốc gia, xuyên quốc gia và mạng thông tin toàn cầu. Đây là những phương tiện thông tin rất hữu hiệu để tác động đến thế giới quan,  quan điểm chính trị, nhận thức pháp luật, lý tưởng và quan niệm giá trị của từng con người cũng như toàn xã hội nói chung. Thực tế cho thấy, nhiều cuộc xung đột vũ trang, bất ổn về chính trị - xã hội ở nhiều nước trên thế giới bắt nguồn từ chiến tranh thông tin. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo thông tin được định hướng theo đúng đường lối của Đảng, Nhà nước là yếu tố sống còn cho sự ổn định chính trị, văn hóa – xã hội, góp phần để phát triển bền vững đất nước.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã gửi xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công An, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến nay Bộ TT&TT đã nhận được ý kiến góp ý của tất cả các cơ quan, đơn vị được xin ý kiến. Bộ TT&TT đã tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện lại dự thảo Chiến lược. Dự thảo Chiến lược cũng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT để xin ý kiến rộng rãi của người dân. Bộ TT&TT đã tổng hợp ý kiến của người dân, tiếp thu chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Chiến lược.

Dự thảo Chiến lược gồm 6 phần chính; Phạm vi của Chiến lược được xác định dựa trên các Luật Báo chí, Luật Xuất bát, phạm vi của Chiến lược giai đoạn 2005 – 2010, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ TT&TT và thực tiễn phát triển các loại hình thông tin ở Việt Nam hiện nay; Hiện trạng phát triển thông tin ở Việt Nam: Dự thảo Chiến lược đánh giá hiện trạng phát triển chi tiết các loại hình thông tin ở Việt Nam, bao gồm 04 loại hình chính: thông tin bằng chữ viết, bằng tiếng nói, bằng hình ảnh, trên mạng Internet. Với mỗi loại hình, dự thảo Chiến lược đều đưa ra các số liệu hiện trạng, đánh giá nhận định với những kết quả đạt được, những hạn chế cần khắc phục và bài học kinh nghiệm; Xu hướng phát triển và kinh nghiệm quản lý thông tin trên thế giới; Nội dung Chiến lược phát triển thông tin ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là nội dung trọng tâm của Chiến lược, bao gồm: Quan điểm chỉ đạo; Mục tiêu phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Định hưởng phát triển đến năm 2030, bao gồm: định hướng chung và định hướng cho từng loại hình thông tin; Các giải pháp để thực hiện Chiến lược; Các chương trình, đề án trọng điểm: Phần này là danh mục các chương trình, đề án thực hiện Chiến lược; Tổ chức thực hiện Chiến lược: Dự thảo Chiến lược phân công trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện Chiến lược, bao gồm: Bộ TT&TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Phát triển các loại hình thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Thông tin hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc, góp phần quan trọng cho sự ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự phát triển bền vững của đất nước; Đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu thông tin giải trí, học tập, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần định hướng lối sống lành mạnh, hướng thiện cho toàn xã hội, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, tạo động lực và trực tiếp đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội; Đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu thông tin giải trí, học tập, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần định hướng lối sống lành mạnh, hướng thiện cho toàn xã hội, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên, tạo động lực và trực tiếp đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội; Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, năng động, ổn định, dân chủ và phát triển; nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ thông tin của người dân giữa các vùng, miền, đảm bảo tốt hơn nữa quyền và nhu cầu được thông tin của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; Xây dựng đội ngũ những người làm công tác thông tin có trình độ chuyên môn cao, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng xu thế hội tụ của các loại hình thông tin; Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thông tin.

Tầm nhìn đến năm 2030: Các loại hình thông tin ở Việt Nam phát triển đầy đủ, toàn diện, hiện đại, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước; Hầu hết người dân Việt Nam có điều kiện và khả năng hưởng thụ thông tin theo nhu cầu, bao gồm các thông tin chính trị, tuyên truyền thiết yếu và các thông tin giải trí, học tập, nâng cao nhận thức; Các loại hình thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thu hút 70% người dân quan tâm, theo dõi thường xuyên; Hầu hết người dân và các hộ gia đình có điều kiện và khả năng xem truyền hình, trong đó trên 70% số hộ gia đình sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền; Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 60%, trong đó, hầu hết người sử dụng Internet thường xuyên đọc báo điện tử. Thông tin trên Internet trở thành loại hình thông tin chủ lực phục vụ cho cả người dân trong nước và cộng đồng quốc tế tìm hiểu về Việt Nam; Hầu hết các cơ quan báo chí có thể tự chủ kinh phí hoạt động; Hình thành một số cơ quan báo chí có quy mô lớn, có khả năng tham gia thị trường thông tin trong khu vực và trên thế giới.
 
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định và phê duyệt Chiến lược.
Việt Thắng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top