Bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2020
Trong tháng 10/2021, Bộ TT&TT đã chỉ đạo điều hành các đơn vị, doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho toàn Ngành.
Trong tháng 10/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 107.490 nghìn tỷ tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước (107.400 nghìn tỷ vào năm 2020). Số thuê bao điện thoại smartphone đạt 91,71 triệu (chiếm 74,1% số thuê bao điện thoại di động), tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Bộ TT&TT cũng đã báo cáo Bộ Chính trị về Đề án thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và VINASAT-2; Xây dựng phương án đấu giá các băng tần để triển khai dịch vụ di động 4G/5G. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” và triển khai phủ sóng các điểm lõm sóng còn tồn tại trên cả nước (khoảng 2000 điểm).
Để tiến tới mục tiêu xử lý triệt để sim rác vào cuối năm 2021, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quyền lợi của người dân đồng thời tạo nền tảng để chính DN viễn thông triển khai các dịch vụ mới như định danh số, Mobile Money... Bộ TT&TT đã triển khai các giải pháp đồng bộ: Tiến hành kiểm tra thông tin thuê bao, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với hoạt động mua bán, đăng ký, quản lý thông tin thuê bao tại các điểm bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý theo quy định; Chỉ đạo hoàn thiện biện pháp cơ chế chặn tự động trên hệ thống của doanh nghiệp để đảm bảo từ ngày 01/8/2021, tất cả thuê bao phát triển mới không vi phạm các tiêu chí trong thỏa thuận ngăn chặn, xử lý SIM rác.
Đến tháng 10/2021 đã có hai nhà mạng là Viettel và VNPT đã đáp ứng các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT và thực hiện triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT: Bộ TT&TT đã ban hành công văn Hướng dẫn dịch chuyển các hệ thống thông tin hiện có lên điện toán đám mây (cloud) gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến công bố Báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 và thúc đẩy cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 vào ngày 19/10/2021.
Bộ TT&TT đã phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức thành công Vòng thi chung kết và Lễ trao giải Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia năm 2021 - Viet Solutions 2021 vào ngày 16/10/2021.
Về an toàn an ninh mạng, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng việc phát triển lĩnh vực an toàn an ninh mạng trong năm đã có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, doanh thu dịch vụ ATANM 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1.535 tỷ đồng ( tăng 8% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2020).
Ước tính trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 2.562 triệu tỷ đồng (~ 110,7 tỷ USD) tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó doanh thu các DN Việt Nam là 292 nghìn tỷ đồng chiếm 11%. Doanh thu Quý III đã tăng trưởng 26,8% so với Quý II (Quý II sụt giảm 14% so với Quý I). Trong tổng doanh thu công nghiệp ICT, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử chiếm phần lớn, đạt khoảng 2.270 triệu tỷ đồng (~ 98,1 tỷ USD) bằng gần 90%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt 88,3 tỷ USD chiếm khoảng 32,5% giá trị xuất khẩu của cả nước với giá trị xuất siêu ước đạt gần 10,5 tỷ USD trong khi cả nước đang nhập siêu.
Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, các cơ quan báo chí vẫn duy trì nhiều tin, bài về công tác phòng, chống dịch COVID-19, chiếm 20-25% tổng số tin bài trên báo điện tử. Các Đài PTTH sản xuất, phát sóng gần 102 nghìn chương trình PTTH về Covid-19, với tổng thời lượng gần 270 nghìn phút. Duy trì các chuyên mục về hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng chống dịch covid; khôi phục sản xuất kinh doanh. Trong đó có nhiều chuyên mục truyền hình có từ vài trăm nghìn đến hơn 2 triệu lượt khán giả tiếp cận như: “Phòng, chống dịch COVID-19”, “ Khám phá Việt Nam: Không ai, không điều gì bị quên lãng - VTV1, Đài THVN; “Dr Khỏe” - THVL1, Đài PTTH Vĩnh Long ; “Bác sĩ của bạn” - HTV9, Đài TH TP.HCM ; “An ninh toàn cảnh - Sức khỏe 365” - ANTV…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo toàn ngành TT&TT phải hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho trong năm 2021.
Đối với việc hoàn thành 100% DVCTT mức độ 4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố để sớm hoàn thành đúng tiến độ. Việc tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ thúc đẩy xử lý hồ sơ trực tuyến trên cả nước, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và mang lại niềm tin cho nhân dân.
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chủ trì và chuẩn bị chương trình Tổng kết Bộ TT&TT năm 2021 vào trung tuần tháng 12/2021và rà soát lại các kế hoạch công tác năm 2022, bổ sung các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TT&TT trong năm 2022.
Bộ trưởng cũng lưu ý với Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, năm 2022 là năm tập trung vào phục hồi kinh tế, trong đó ngành TT&TT đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, trong kế hoạch năm 2022, toàn Ngành phải phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ cơ bản xong trong 6 tháng đầu năm để cuối năm đáp ứng, phục vụ tốt cho việc phục hồi kinh tế.
Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ nhanh chóng báo cáo Thủ tướng số liệu xếp hạng quốc gia trong các lĩnh vực Bộ TT&TT quản lý. Trong đó các nội dung chuyển đổi số, kinh tế số, chính phủ số, ATTT, viễn thông được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Vì vậy, Viện Chiến lược TT&TT cần sớm tập trung thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về lĩnh vực bưu chính, để phục hồi kinh tế, bưu chính cần tập trung bốn nội dung: Đẩy mạnh phát triển các nền tảng số; Hỗ trợ bán nông sản trên hai sàn TMĐT Voso và Postmart; Xem xét hợp tác với các lĩnh vực khác; Tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính.
Về Viễn thông, để làm nền tảng cho phát triển kinh tế số thì việc đầu tiên là mỗi người có một smartphone. Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Phạm Đức Long tổ chức buổi làm việc với các DN viễn thông bàn việc thực hiện mục tiêu đến tháng 6/2022 chỉ còn 5% dân số sử dụng mạng 2G. Còn đối với cáp quang thì hết năm 2022 phải phủ tới 85% hộ gia đình, tức là phải thêm 5 triệu thuê bao cáp quang nữa để đạt tổng cộng 24 triệu hộ gia đình được phủ cáp quang. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại: Muốn mục tiêu kinh tế số thành công thì các doanh nghiệp phải cùng nhau thực hiện được được hai việc: Mỗi người có một smartphone và mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang.
Để thúc đẩy kinh tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc tăng dụng lượng, tốc độ 4G và xem xét, đặt mục tiêu người dùng di động sử dụng Mobile Money lên 80% là việc làm cần thiết; Song song với đó là phủ sóng toàn quốc 5G vào năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, cần xây dựng kế hoạch ngay trong tháng 11/2021 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và thực hiện kế hoạch.
Về cloud, hiện nay các công ty cung cấp dịch vụ clould lớn của Việt Nam cũng chỉ có mấy trăm ngàn CPU. Các nhà mạng Việt Nam cần phải xây dựng một Clould Việt Nam tầm cỡ 10 triệu CPU. Bộ trưởng chỉ đạo cần nhanh chóng họp bàn xây dựng một chiến lược Clould quốc gia.
Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị cần phải đặt mục tiêu cụ thể cho phát triển cho kinh tế số, chính phủ số và xã hội số trong năm kế hoạch 2022. Và để bảo đảm cho chuyển đổi số thành công, công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng cũng cần có các biện pháp, giải pháp tích cực, phù hợp nhằm bảo vệ cho các hệ thống cơ quan nhà nước, chính phủ, người dân và doanh nghiệp.
Về lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ trưởng nhấn mạnh, công nghiệp ICT cần tiếp tục đà tăng trưởng gấp từ 2 đến 3 lần GDP như trước đây. Bộ trưởng nhấn mạnh: công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay chính là công nghiệp hóa ICT, công nghệ thông tin.
Lĩnh vực Báo chí và Truyền thông phải xây dựng kế hoạch cho cả năm để tuyên truyền, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, góp phần tích cực phục hồi kinh tế phát triển; Cần tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng hệ thống các cơ quan báo chí chủ lực của đất nước.
Năm 2022 là năm phục hồi phát triển kinh tế đất nước. Bộ TT&TT có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định các chính sách và triển khai các biện pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Bộ, lãnh đạo các đơn vị cần tập trung cao độ để xây dựng kế hoạch cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; thống nhất triển khai đồng bộ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao./.