Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ CMC, FPT… và đại diện một số Doanh nghiệp, Hiệp hội trong ngành TT&TT, một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản.
Năm 2023, các doanh nghiệp đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu và chất lượng dịch vụ công trực tuyến
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ những việc toàn ngành cần thực hiện và đem lại kết quả thiết thực trong năm 2023. Đó là:
Các doanh nghiệp đã có hợp tác với các bộ, ngành, địa phương thì phải chú ý đánh giá lại hệ thống CNTT của các bộ, ngành, địa phương để đề xuất nâng cấp, đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu và chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Vì năm 2023 là năm tạo ra thay đổi căn bản để đánh giá của Liên minh Viễn thông Thế giới về chính phủ điện tử, chính phủ số Việt Nam được chính xác, thông qua việc cung cấp đầy đủ thông tin cũng như cải thiện các thành phần đang có điểm thấp để thứ hạng Việt Nam được công bố vào năm 2024 sẽ tăng ít nhất 10 hạng, từ 86 xuống dưới 75.
Năm 2023 là năm sử dụng AI để tạo ra các trợ lý ảo, đóng góp chuyên gia trong các lĩnh vực, các doanh nghiệp, các tổ chức, việc này cần được áp dụng rộng rãi. Như cách làm của Misa, cách làm đơn giản nhưng giá trị mang lại rất lớn.
Bộ trưởng cho rằng, năm 2023 là năm tạo ra cách tiếp cận thiết thực, phải ra kết quả có lợi cho người dân, kết thúc công việc và tạo ra giá trị. Trong đó, 100% các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện phải lên toàn trình, 50% số hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình, viễn thông cũng phải xử lý triệt để SIM rác, giải quyết vấn đề lợi dụng sim rác để thực hiện lừa đảo.
Năm 2023 cũng là năm đẩy cao chất lượng trong tất cả các hoạt động, không chỉ riêng luật pháp, trong đó có chất lượng và bền vững của hạ tầng số. Hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế và xã hội số. Hạ tầng số mà trục trặc, không ổn định, chất lượng không tốt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Năm 2023 là năm dữ liệu, cần làm rõ nội hàm, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ, ngoài Bộ và các bộ, ngành, địa phương khác. Bộ TT&TT sẽ là Bộ làm mẫu về vấn đề dữ liệu.
Năm 2023 là năm thực thi các chiến lược đã ký. Vì vậy, Bộ cần lập chương trình hành động cho mình và các bộ, ngành, địa phương, liên quan, đưa quản lý, thực thi chiến lược vào thực tế; đo lường và công bố.
Năm 2023 là năm đầu tiên đánh giá và công bố chất lượng các cổng dịch vụ công, kể cả chất lượng cải cách các thủ tục hành chính trên Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương, chuyển từ có sang chất lượng.
Năm 2023 là năm Bộ đứng ra đảm bảo chất lượng toàn trình của liên thông dữ liệu, đảm bảo chất lượng dịch vụ công liên hệ thống.
Năm 2023 là năm vận hành các hệ thống giám sát online, giám sát chính mình và các đối tượng quản lý.
Để có thể lên môi trường số toàn trình, toàn diện để giám sát, cảnh báo và đo lường được, Bộ trưởng chỉ đạo, năm 2023 là năm mẫu về xây dựng nền tảng làm việc số, 100% công việc của nhân viên phải được thực hiện trên môi trường số. Ngoài ra, năm 2023 phải là năm đưa các doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới và làm thịnh vượng Việt Nam.
Đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông, Bộ trưởng chỉ đạo, năm 2023 là năm đưa các cơ quan báo chí lên các nền tảng số, là năm biến các cơ quan báo chí, nhà xuất bản thành các nền tảng. Đồng thời cũng là năm lành mạnh hoá báo chí. Đây là giai đoạn phát triển báo chí sau giai đoạn sắp xếp. Những báo, tạp chí, trang thông tin điện tử sai phạm phải được nhắc nhở thường xuyên và xử phạt.
Năm 2023 là năm quản lý các nền tảng xuyên biên giới vào đúng quy định pháp luật Việt Nam. Các nền tảng này tiền thì nhiều nhưng trách nhiệm xã hội kém, cần nâng lên một mức nữa để quản lý các nền tảng xuyên biên giới theo đúng quy định pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị
Việt Nam phát triển mạnh thị trường TMĐT
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã có các tham luận: Những vấn đề bất cập của đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online; Phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng toàn dân - hướng tiếp cận thuê bao; Đề xuất thúc đẩy hệ sinh thái IoT tại Việt Nam qua khảo sát kinh nghiệm Hàn Quốc… Trong đó, đáng chú ý có tham luận về xu hướng phát triển thị trường TMĐT ở Việt Nam trong thời gian tới của Công ty Giao hàng tiết kiệm.
Theo Ông Phạm Hồng Quân, Tổng giám đốc Công ty Giao hàng tiết kiệm, xu hướng gia tăng mạnh mẽ người tiêu dùng kỹ thuật số, đáng chú ý nhất là khu vực nông thôn. Theo Báo cáo của Facebook và GroupM Việt Nam năm 2021, có tới 91% người dân nông thôn sử dụng Internet, trong đó 46% người tiêu dùng nông thôn đã mua hàng online, cho thấy người tiêu dùng ở nông thôn rất thành thạo sử dụng điện thoại di động thông minh và dịch vụ kỹ thuật số. Như vậy, cho thấy xu hướng ngày càng gia tăng người tiêu dùng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn và đây là khu vực tiềm năng cả về số lượng và sức mua, là dư địa để thúc đẩy TMĐT và mở rộng phát triển kinh tế số. Thay vì chỉ dừng lại ở việc bán hàng online trên website hay sàn TMĐT thuần tuý, những nhà bán online đã bắt kịp xu thế này để tạo nên đa dạng các mô hình kinh doanh, tận dụng sức mạnh của các kênh mạng xã hội và kết hợp bán hàng đa kênh, họ trở thành người sáng tạo nội dung số đi kèm tiếp thị sản phẩm, họ sử dụng cả các kênh miễn phí như xây dựng cộng đồng, tạo các mối quan hệ bạn bè và tính phí như chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội…
Bên cạnh đó, thị trường TMĐT Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ lượng người tiêu dùng mua sắm online, đặc biệt là trên các kênh thương mại mạng xã hội (social commerce), cho thấy người dùng mua sắm đa kênh và đang có xu hướng yêu thích hình thức mua sắm online kết hợp giải trí (shoppertainment). Và cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, bất kỳ ai ở bất kỳ đâu đều có thể tự mình nắm bắt thông tin nhanh chóng, gia tăng sự hiểu biết về những chủ đề thông dụng, trở thành người tiêu dùng thông thái trong các lựa chọn của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng online sẽ luôn đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn, chủ động hơn trong việc được lựa chọn quyền mua, quyền được phục vụ… so với các giao dịch mua bán truyền thống.
Đánh giá cao sự phát triển của Công ty Giao hàng tiết kiệm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng doanh nghiệp nên phối hợp với Bưu điện Việt Nam cùng nghiên cứu công nghệ, tối ưu hoá sàn thương mại điện tử quốc gia để hỗ trợ người nông dân đưa sản phẩm lên không gian mạng.
Một số kết quả nổi bật trong 3 tháng đầu năm 2023 Trong tháng 3/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt: 325.565 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với tháng 2. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ; tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt: 8.872 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với tháng 2. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 24.455 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong Quý I/2023 là 13,6%, tăng 3,99% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ trọng Kinh tế số trong GDP Quý I/2023 là 14,62%. |