Thông tin nêu trên vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Tin học và Thống kê Tài chính (22/10/1989 – 22/10/2019) và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng cho Hệ thống Tin học Thống kê ngành Tài chính.
Bộ Tài chính: Ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới của CMCN 4.0, hướng đến Tài chính số
Thứ ba, 22/10/2019 09:46
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, thời gian tới ngành Tài chính sẽ ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành.
Bộ Tài chính đã có đóng góp quan trọng vào xây dựng Chính phủ điện tử
Trong phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, việc thành lập và xây dựng ngành Tin học Thống kê cách đây 30 năm đã thể hiện tầm nhìn sâu, rộng của lãnh đạo Bộ Tài chính đối với công tác ứng dụng CNTT, xây dựng ngành Tài chính điện tử như ngày nay.
Thừa Ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hệ thống Tin học và Thống kê Tài chính.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành Tài chính luôn thể hiện là ngành đi đầu trong việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Tài chính điện tử, góp phần quan trọng vào xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. “Các dịch vụ công trong ngành tài chính là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của công tác ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, minh bạch hóa các hoạt động của cơ quan nhà nước; tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, mà tiêu biểu là các dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực thuế, hải quan”, Thứ trưởng nhận xét.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính cũng luôn được xếp hạng trong nhóm đứng đầu. CNTT đã được ứng dụng hiệu quả trong các hoạt động nội ngành như quản lý nợ công, quản lý giá, quản lý tài sản, đặc biệt là xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc trong quản lý thu chi ngân sách nhà nước.
Trong xây dựng chính sách, Bộ Tài chính luôn là động lực cho nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng CNTT như quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT, triển khai các hoạt động liên quan đến giao dịch điện tử.
Việc ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính còn thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác trong tăng cường ứng dụng CNTT, phục vụ kết nối, trao đổi thông tin với ngành Tài chính. Việc đầu tư, phát triển các hệ thống thông tin ngành Tài chính đã góp phần tạo ra thị trường, sản phẩm CNTT để các doanh nghiệp cạnh tranh trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ, qua đó góp phần nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực CNTT cho ngành Tài chính nói riêng và góp phần vào sự phát triển CNTT-TT tại Việt Nam nói chung.
“Có thể khẳng định rằng những thành quả đạt được trong việc triển khai ứng dụng CNTT nêu trên của ngành Tài chính, có sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ Tin học Thống kê ngành Tài chính”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, qua 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Tin học Thống kê ngành Tài chính đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc hiện đại hóa ngành Tài chính, khẳng định vị thế của Tin học Thống kê ngành Tài chính trên bản đồ CNTT Việt Nam. Đến nay, hệ thống Tin học Thống kê ngành Tài chính đã có 6 đơn vị chuyên trách CNTT cấp Cục ở trung ương, tại cấp tỉnh có các bộ phận tin học, phòng tin học, các trung tâm dữ liệu. Toàn ngành Tài chính có hơn 3.680 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CNTT, chiếm khoảng 5% tổng số cán bộ, công chức ngành Tài chính.
Thời gian qua, trong bối cảnh của CMCN 4.0, ngành Tài chính đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ di động trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống Cổng Thông tin điện tử toàn ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi thông qua mạng Internet.
Đồng thời, nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ di động cho một số ứng dụng nghiệp vụ/ứng dụng chỉ đạo điều hành tại đơn vị như chương trình quản lý văn bản điều hành, các ứng dụng về quản lý văn phòng điện tử tiến tới hiện thực hóa “Văn phòng không giấy tờ”; hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS), Hệ thống trao đổi dữ liệu thu nộp thuế giữa các cơ quan Thuế - Kho bạc - Hải quan - Tài chính...
Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Tài chính và các CSDL chuyên ngành được nghiên cứu, xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn từng bước đáp ứng được yêu cầu thông tin dữ liệu, phục vụ quản lý, điều hành và hoạch định chính sách của ngành Tài chính.
Đặc biệt, từ năm 2017, Bộ Tài chính đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để triển khai cung cấp Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tự tìm kiếm câu hỏi và trả lời các vấn đề liên quan đến thắc mắc về các chính sách của ngành Tài chính một cách tự động, thông minh. Qua đó, đã rút ngắn được thời gian trả lời, giải đáp các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về cơ chế chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Hiện trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các Tổng cục đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 978 thủ tục, trong đó có 197 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 310 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử vào năm 2025
Cũng trong phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chỉ rõ, triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 và thực hiện Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, yêu cầu đặt ra trong hiện đại hoá và cải cách hành chính của Bộ Tài chính là rất lớn, trong đó để thực hiện được thì ứng dụng CNTT là công cụ cốt lõi, nền tảng.
“Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đòi hỏi công tác ứng dụng CNTT, thống kê tài chính thời gian tới cần chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, nắm bắt cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để xây dựng thành công Tài chính điện tử, hướng tới Tài chính số”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, ngành Tài chính cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và chiến lược của từng lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển kinh tế số; triển khai xây dựng Kiến trúc ngành Tài chính, kiến trúc cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính hướng tới Tài chính số; Ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ mới của CMCN 4.0 vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính.
Cùng với đó, thiết lập môi trường làm việc điện tử và xây dựng Cổng giao tiếp ngành Tài chính tích hợp sâu, rộng và xuyên suốt giữa các Cổng giao tiếp trong ngành, liên thông với Chính phủ và các cơ quan nhà nước theo hướng dữ liệu mở sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo, tương tác và trả lời tự động để phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thành việc xây dựng, ứng dụng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tỷ lệ 100%; hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo, phân tích thống kê của Bộ Tài chính gắn với điều hành thông minh, hình thành môi trường làm việc tích hợp liên thông, cộng tác và chia sẻ trong toàn ngành, hướng tới “Văn phòng điện tử không giấy tờ, triển khai công việc mọi lúc mọi nơi.
Đồng thời, thiết lập hệ thống quản trị an toàn thông tin toàn diện, thống nhất, phù hợp với các giai đoạn chuyển đổi số ngành Tài chính, tuân thủ các quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thông tin; tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về ứng dụng CNTT, đặc biệt về cuộc CMCN 4.0 cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ các cấp của ngành Tài chính để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.