Giống như ở nhiều nơi khác trên thế giới, cuộc chiến giữa Chính phủ Ấn Độ và các mạng xã hội, nền tảng truyền thông quốc tế xoay quanh sự bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề mà một trong số đó là tự do ngôn luận và tự do báo chí. Trước đó, Google đã bất đồng quan điểm với Chính phủ Ấn Độ về bản quyền đối với thông tin và dữ liệu được sản xuất ra ở Ấn Độ nhưng truyền tải trên nền tảng và cơ sở hạ tầng công nghệ của Google.
Khúc mắc về tiền bạc dẫu có phức tạp đến đâu thì cũng vẫn dễ dàng có thể được khắc phục hơn bất đồng quan điểm mang tính nguyên tắc về chính trị như hiện tại giữa phía Ấn Độ với Facebook, Whatsapp và Twitter.
Bộ ba này đều là những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và có tầm ảnh hưởng sâu rộng, thậm chí còn buộc phải được coi là một dạng quyền lực thực thụ. Ấn Độ lại là một trong những thị trường lớn nhất của cả ba thương hiệu này, nếu như không muốn nói là lớn nhất. Bởi thế, trận chiến hiện tại quyết định tương lai hiệu lực của bộ luật về công nghệ thông tin mới ở Ấn Độ và quyết định liệu phía Ấn Độ sẽ thắng hay thua trong những trận chiến tiếp theo với những mạng xã hội, nền tảng truyền thông khác trên thế giới ở khía cạnh quan điểm về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nó cũng sẽ quyết định tương lai của các mạng xã hội và nền tảng truyền thông liên quan ở thị trường Ấn Độ mà một khi bị thua ở Ấn Độ thì triển vọng thắng ở nơi khác trên thế giới càng thêm mờ mịt.