Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP trong đó quy định rõ thành phần hồ sơ và việc thực hiện thủ tục theo phương thức trực tuyến. Cụ thể, quy định quy trình đăng ký khai thác tuyến áp dụng từ ngày 01/7/2021: Doanh nghiệp, hợp tác xã gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khai thác tuyến về Sở GTVT nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị trên hệ thống DVCTT của Bộ GTVT (không nhận hồ sơ gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý tuyến hoặc hồ sơ gửi qua đường bưu điện).
Ảnh minh hoạ
Để triển khai thành công Hệ thống, thì việc số hoá dữ liệu là khâu rất quan trọng, bên cạnh việc gấp rút triển khai nhiều hạng mục với khối lượng công việc lớn, Bộ GTVT đã cập nhật và số hoá được trên 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc, cập nhật biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định tại 63 tỉnh, thành phố.
Đến nay, Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực vận tải đường bộ đã có gần 52 nghìn tài khoản sử dụng; quản lý được gần 1,9 triệu phương tiện hoạt động vận tải; cấp hơn 59 nghìn giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ; cấp gần 1,2 triệu biển hiệu, phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải và hơn 12 nghìn giấy phép tuyến vận tải hành khách cố định, tăng trưởng nhiều lần so với trước khi triển khai Hệ thống. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến qua Hệ thống là 1.110.785 hồ sơ, đạt tỷ lệ 80,21%.
Lợi ích
Đối với doanh nghiệp, thay vì đến cơ quan công quyền để nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện, doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh vận tải có thể thực hiện 24/7, tại bất cứ đâu có kết nối Internet, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính minh bạch; Hỗ trợ doanh nghiệp cá nhân hoá dữ liệu đã nộp, kết quả thực hiện thủ tục hành chính để tái sử dụng trong lần sau. Đồng thời cho phép doanh nghiệp hình thành các dữ liệu của đơn vị như: thông tin xe kinh doanh vận tải, dữ liệu tuyến đơn vị khai thác, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính; các dữ liệu này giúp doanh nghiệp quản lý hoạt động vận tải thuận lợi.
Việc tiếp nhận hồ sơ hoàn toàn trực tuyến, xử lý thủ tục hành chính, thẩm định cấp phép hoàn toàn điện tử đồng thời việc kết nối với các cơ sở dữ liệu (CSDL), như cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ sở dữ liệu giám sát hành trình, cơ sở dữ liệu camera, cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện... giúp cơ quan quản lý giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm ngân sách nhà nước; Việc hình thành các dữ liệu tập trung trong quản lý vận tải đường bộ cũng giúp cơ quan quản lý có số liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành lĩnh vực vận tải đường bộ.