ảnh minh họa
Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã tích cực đôn đốc, tiến hành tiếp thu ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội để báo cáo Thủ tướng sau tháng 7-2022 về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá, xem xét chính sách quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý Nhà nước đối với mặt hàng này.
Trọng trách của Bộ Công thương
Việc tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành thực hiện trong nhiều năm qua. Trong công văn ngày 20-10-2020 về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ: Công thương, Tài chính, Công an, Quốc phòng, UBND các tỉnh thành chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường quản lý, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Trước đó, tháng 12-2020, Chính phủ đã giao nhiệm vụ Bộ Công thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tạo động lực phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, hành lang pháp lý của một số ngành công nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc về chính sách, chưa được khơi thông.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, Cục Công nghiệp đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm. Phản hồi về một trong số các nhiệm vụ đó, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, Cục đang trong giai đoạn cuối hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 67/2013. Cụ thể, so với Nghị định cũ, Nghị định mới thay thế bổ sung khoản 13 Điều 45 với nội dung: "Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ”.
Ở góc độ pháp lý, tại tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới" tổ chức hồi đầu năm 2022, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, Việt Nam đang quản lý các sản phẩm thuốc lá bằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012. Vào thời điểm ban hành Luật này thì chưa có thuốc lá thế hệ mới tại thị trường Việt Nam nên các sản phẩm này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Thế nhưng, điều này không có nghĩa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá không áp dụng được cho những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại thời điểm hiện nay. “Do WHO đã chính thức công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá. Vì vậy, việc cần làm tiếp theo là áp dụng luật kiểm soát thuốc lá hiện hành đối với sản phẩm này như thế nào là phù hợp,” bà Liên nhận định. Hướng tới chính sách quản lý phù hợp, vừa thực thi vừa điều chỉnh
Là cơ quan chịu trách nhiệm chính đưa ra đề xuất quản lý thuốc lá thế hệ mới, trong 4 năm qua, Bộ Công thương đã kết hợp với nhiều bộ, ban ngành như Bộ Tư pháp, Thuế, Tài chính, Hải quan… thực hiện các bước để xây dựng chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới; trong đó bao gồm các hoạt động khảo sát, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Được biết, hiện Bộ Công thương đã đề xuất chính sách quản lý riêng đối với thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và chiến lược quốc gia về giảm tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.
Về phía Bộ Y tế, mới đây, tại hội thảo chuyên đề về chính sách với thuốc lá thế hệ mới, đại diện Vụ Pháp chế bày tỏ lo ngại về tác hại đến sức khỏe, xã hội nếu như chính sách quản lý của Bộ Công thương được thông qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh quan ngại của Bộ Y tế cần có thời gian để xem xét thêm, thì các vấn đề “nóng” hơn hiện nay là công tác quản lý thuốc lá thế hệ mới đang bị buông lỏng, dẫn đến nhiều kẽ hở cho thị trường chợ đen phát triển, các sản phẩm giả, kém chất lượng lọt vào Việt Nam. Đồng thời, người hút thuốc lá thế hệ mới hiện vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và chính xác về cách dùng, chưa có thông tin pháp lý rõ ràng để tham chiếu nên dễ sử dụng sai, dẫn đến hậu quả khó lường. Đây mới chính là những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng thuốc lá thế hệ mới.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội khóa XIV nêu quan điểm: “Thuốc lá thế hệ mới cần phải được cơ quan có thẩm quyền xác định về các tác nhân gây hại. Bộ Y tế phải vào cuộc xác định hóa chất hay nguyên liệu thuốc lá được sử dụng có nguy hại hay không, nguy hại đến đâu thì trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý được tình trạng buôn lậu loại sản phẩm này hoặc hàng giả, hàng kém chất lượng”.
Bộ Công Thương cũng đang tích cực đánh giá những tác động của sản phẩm và trình phương án quản lý phù hợp. Theo đó, mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng. Theo các chuyên gia, đây là một chính sách phù hợp, nhằm vừa thực thi vừa điều chỉnh, hướng tới xây dựng chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá mới được đầy đủ, toàn diện hơn.
Bước đi này của Bộ Công Thương đã nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên gia. Ở góc độ vi mô, Bộ đã nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho người dùng – đối tượng chịu tác động của các chính sách quản lý công nghiệp và thương mại. Về vĩ mô, đề xuất này góp phần tháo gỡ những khó khăn trong chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nói chung.