Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng
2022 sẽ là 1 năm đầy cơ hội với lĩnh vực ICT
Phóng viên: Rất vui vì Thứ trưởng đã dành thời gian đầu xuân mới cho Báo Nhân Dân. Là người trực tiếp tổ chức triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ông có nhận định như thế nào về lĩnh vực chuyển đổi số nói chung và ICT nói riêng trong năm 2022?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng:
Năm 2022 theo truyền thống văn hóa phương Đông là năm Nhâm Dần, tượng trưng cho sức mạnh và tốc độ của loài hổ. Đó là năm của sự bung sức, kế tiếp sau một năm Tân Sửu chăm chỉ, cần mẫn tích lũy.
Đối với lĩnh vực Chuyển đổi số nói chung và ICT nói riêng, thì cũng phản ánh tinh thần đó. Năm 2021 đã đặt nền móng cho rất nhiều sự thay đổi lớn và 2022 sẽ là thời điểm mà những thay đổi này phát triển mạnh mẽ và trở nên quen thuộc với đời sống đại chúng. 2022 sẽ là một năm hứa hẹn đầy những cơ hội trong lĩnh vực này.
Phóng viên: Vậy những thay đổi đó sẽ là gì thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng:
Công nghệ trên thế giới đang phát triển vũ bão. Công nghệ hiện nay không chỉ là một động lực để cải tiến năng suất, gia tăng hiệu quả kinh tế, mà công nghệ giờ đã trở thành động lực và là nhân tố chính để thúc đẩy những sự thay đổi về kinh tế, xã hội, thói quen sinh hoạt, làm việc, vui chơi, giải trí của tất cả mọi người.
Đầu tiên thì quá trình chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra một cách mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, với các trọng tâm là Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thụ hưởng ngày càng nhiều các dịch vụ số với sự tiện dụng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Quá trình này sẽ giúp cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, nguồn lực, nâng cao hiệu quả cho toàn xã hội.
Theo ông Dũng, quá trình chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2022. (Ảnh: CE Tech)
Tiếp đến là sự phát triển và gia tăng tỷ trọng của kinh tế số. Đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì nhiều mô hình kinh tế truyền thống chịu ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế số trở thành sự lựa chọn phù hợp để tạo ra thu nhập mới cho người lao động, đặc biệt là người lao động trẻ và có năng lực tiếp cận cái mới. Ví dụ: đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng, tạo thu nhập từ các tác phẩm số…
Một động lực khác cũng sẽ định hình 2022 đó là khái niệm về “vũ trụ ảo” (metaverse). Đây cũng là chuyển đổi số. Metaverse biến thế giới số thành không gian sống mới của con người, nơi các trải nghiệm về làm việc, giải trí, mua sắm đạt mức độ chân thực không thua kém thế giới thực.
Năm 2022 được kỳ vọng chứng kiến sự phát triển của Metaverse (vũ trụ ảo). (Ảnh minh họa)
Metaverse cho phép con người xây dựng một thế giới mới với rất ít giới hạn gặp phải trong thế giới thực. Trong năm 2022 chúng ta có thể kì vọng sẽ được chứng kiến sự phổ biến của những ứng dụng đầu tiên của tham vọng này, ví dụ như các lĩnh vực họp trực tuyến, học trực tuyến, mua sắm, giải trí… trong metaverse.
Và cuối cùng cũng như quan trọng nhất, là những động lực đến từ chuyển đổi số, kinh tế số, metaverse… đang thúc đẩy sự hình thành một Internet thế hệ mới dựa trên nền tảng blockchain, còn gọi là web3 (kết hợp của web và blockchain).
Blockchain giải quyết bài toán niềm tin giữa con người với con người
Phóng viên: Trong các xu hướng nổi bật của năm 2022 thì Thứ trưởng có nhấn mạnh tới blockchain. Đây cũng là cụm từ đã được nhắc tới rất nhiều trong năm 2021, vậy Thứ trưởng có thể cho biết thực chất thì xu hướng này là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng:
Blockchain, hay thường gọi là chuỗi khối hay sổ cái phân tán, là công nghệ được tạo ra để giải quyết bài toán về niềm tin trong hợp tác giữa hai hay nhiều người cùng nhau.
Trong cuộc sống thì để hai hay nhiều đối tượng hợp tác được với nhau, ví dụ thực hiện một hợp đồng, hay giao dịch mua bán, chuyển khoản, thì cần phải có niềm tin. Niềm tin này có thể thể hiện dưới dạng niềm tin trực tiếp, ví dụ hai đối tác biết rõ thông tin về nhau và cùng tin rằng người kia sẽ tuân thủ điều khoản hợp tác. Khi quy mô hợp tác liên quan tới rất nhiều người, thì rất khó tồn tại niềm tin trực tiếp, mà khi đó sự hợp tác thường dựa trên niềm tin gián tiếp vào một tổ chức trung gian như công chứng, tổ chức tín dụng, tòa án hay các hiệp hội. Các tổ chức trung gian này có nhiệm vụ đứng ra thiết lập quy định, bảo lãnh cho đối tác tham gia hợp tác, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Có thể nói là mọi hoạt động xã hội của con người đều dựa trên niềm tin trực tiếp hoặc gián tiếp.
Blockchain cho phép con người hợp tác với nhau dựa trên một loại niềm tin mới là “niềm tin số”, hay niềm tin vào tính đúng đắn của các thuật toán mã hóa. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, việc xây dựng niềm tin trực tiếp rất khó hoạt động ở quy mô lớn, trong khi đó niềm tin vào các tổ chức trung gian thì không phải lúc nào cũng được bảo đảm khi mà mọi tổ chức vận hành bởi con người đều tồn tại rủi ro sai sót, tham nhũng, lạm quyền và dẫn tới hoạt động không đúng với chức năng đặt ra.
Vậy thì có cách nào để con người có thể xây dựng niềm tin mà không cần phải biết quá nhiều thông tin về đối tác lẫn không cần đến các tổ chức trung gian không?
Câu trả lời là có. Blockchain cho phép con người hợp tác với nhau dựa trên một loại niềm tin mới là “niềm tin số”, hay niềm tin vào tính đúng đắn của các thuật toán mã hóa.
Phóng viên: Như vậy có thể hiểu blockchain là cuộc cách mạng về xây dựng niềm tin giữa con người với con người. Tuy nhiên khi nhắc tới blockchain thì thường người ta hay nói tới tiền mã hóa, hay là các xu hướng play-to-earn, NFTs. Vậy sự liên hệ giữa các khái niệm này là gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng:
Blockchain đã tồn tại và phát triển được hơn 10 năm, vì thế mà khái niệm blockchain từ ý nghĩa truyền thống là công nghệ sổ cái phân tán nhằm giải quyết bài toán niềm tin giữa con người, đã mở rộng thành từ gọi chung cho các nền tảng vận hành ứng dụng phân tán trên cơ sở gốc là “niềm tin số”.
Blockchain đã mở rộng thành từ gọi chung cho các nền tảng vận hành ứng dụng phân tán trên cơ sở gốc là “niềm tin số”. (Ảnh minh họa)
Cứ hình dung blockchain giờ như là một nền tảng dùng cho một chiếc điện thoại thông minh, thì tiền mã hóa, NFTs, GameFi là một trong số rất nhiều ứng dụng chạy trên thiết bị đó. Tuy nhiên sở dĩ tiền mã hóa, NFTs, GameFi được công chúng biết tới nhiều nhất, là bởi thời gian vừa qua, dòng tiền đổ vào các lĩnh vực này rất lớn, trong đó không ít sự đầu tư thiếu thực chất, mang tính chất đầu cơ, tạo ra nhiều giao dịch ảo với giá trị rất lớn, từ đó thu hút sự tò mò của công chúng.
Việc các đồng tiền mã hóa lớn như Bitcoin, Ethereum…có biến động giá lớn trong thời gian vừa qua, hay tình trạng một số “cá mập” có hành vi thao túng giá qua phát ngôn trên mạng xã hội là một minh chứng cho tính chất rủi ro cao của thị trường tiền mã hóa. Bên cạnh đó blockchain, tiền mã hóa là lĩnh vực mới, hấp dẫn nên đang bị các đối tượng lạm dụng lừa đảo người dùng, nên vấn nạn lừa đảo, tấn công mạng, ăn cắp tài khoản tiền mã hóa cũng diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng tại Việt Nam trong thời gian qua.
Mặc dù một số ứng dụng của blockchain hiện còn gây tranh cãi, tuy nhiên như tôi cũng đã nói, tiền mã hóa, NFTs, GameFi chỉ là một trong số rất nhiều những ứng dụng chạy trên nền tảng blockchain. Trên phạm vi thế giới, có rất nhiều ứng dụng phân tán khác đang được phát triển và hoàn thiện như DeFi (tài chính phân tán), DAO (tổ chức tự vận hành), SocialFi (mạng xã hội phân tán), IPFS (giao thức phân phối siêu văn bản phân tán)…
Sự phát triển của các ứng dụng phân tán mang đến nhiều lời giải mới cho các bài toán cũ. Hiểu đơn giản thì “nhiều cái đầu luôn tốt hơn một cái đầu”, hệ thống phân tán sao chép nhiều đặc điểm của các hệ thống phức tạp trong tự nhiên như hệ sinh thái, mô hình phân công lao động của loài kiến, loài ong, đàn chim… Những mô hình phân tán này đã được chứng minh là có mức độ tối ưu rất cao, hoạt động hiệu quả và linh hoạt hơn nhiều so với các hệ thống tập trung. Đây cũng là mô hình phù hợp để kết nối với hàng tỷ thiết bị IoTs sẽ xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta cùng với sự phổ biến của mạng 5G, 6G. Tất cả những tiến bộ này đang góp phần thay đổi bộ mặt Internet như chúng ta đang biết thành một phiên bản mới gọi là Web3.
Blockchain đang tạo ra thế hệ internet mới: Internet thuộc sở hữu của người dùng
Phóng viên: Tôi rất ngạc nhiên trước ý tưởng blockchain có thể giúp xây dựng niềm tin giữa con người với con người dựa vào cơ sở thuật toán mã hóa. Nhưng tôi còn bất ngờ hơn nữa khi biết rằng từ blockchain mà thế giới đã phát triển thành một phong trào để định nghĩa lại internet. Dường như đây là một cuộc cách mạng có ý nghĩa rất lớn?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng:
Đúng là như vậy, gần đây đã chứng kiến xu hướng chuyển dịch của rất nhiều nhân sự công nghệ từ các công ty công nghệ lớn để tự khởi nghiệp lĩnh vực blockchain như thời kỳ bùng nổ internet, các công ty DotCom. Các tập đoàn công nghệ lớn nhất như Microsoft, Meta (công ty Facebook đổi tên), Google, Tencent… cũng đều đã có những bộ phận riêng về blockchain và đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Điều đó chứng tỏ blockchain không còn là một công nghệ mang tính thử nghiệm, mà đã trở thành một xu hướng công nghệ lớn.
Blockchain đã trở thành một xu hướng công nghệ lớn. (Ảnh minh họa)
Về động lực của xu hướng này, thì như tôi đã trả lời ở câu hỏi trước, vấn đề thực sự mà blockchain giải quyết là tạo dựng niềm tin số giữa con người với con người để tạo ra sự hợp tác mà không phải lúc nào cũng cần tới các tổ chức trung gian như truyền thống.
Việc giảm thiểu hoặc loại bỏ các tổ chức trung gian không chỉ nhằm giảm hao tốn, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian giao dịch mà nó còn có một ý nghĩa nữa: đó là ngăn chặn vị thế độc quyền của một số tổ chức trung gian và chia sẻ lại lợi nhuận cho toàn bộ những người tham gia vào mạng lưới hợp tác.
Lấy ví dụ cụ thể là các mạng xã hội hiện nay. Mặc dù ai cũng có thể trở thành người dùng của mạng xã hội và sản xuất nội dung tạo giá trị cho mạng xã hội, nhưng sở hữu thực sự lại là công ty đứng đằng sau xây dựng mạng xã hội. Người dùng hầu như không có quyền quyết định mạng xã hội sẽ phát triển như thế nào, cũng như không được chia sẻ lợi nhuận hoặc chỉ được chia sẻ một phần rất nhỏ lợi nhuận đến từ mạng xã hội.
Mô hình ứng dụng blockchain trong nông nghiệp thông minh.
Nếu hiểu được tính chất sáng tạo hủy diệt của công nghệ blockchain, thì cũng sẽ hiểu được vì sao thế giới đang có những dòng tiền rất lớn đầu tư vào việc ứng dụng blockchain để sáng tạo ra những mô hình mới thay thế những mô hình hợp tác cũ mà chúng ta đang có. Ví dụ như hợp đồng thông minh (smart contract) cho phép giao dịch tự động trên cơ sở các điều kiện định nghĩa trước dần thay thế cách giao dịch truyền thống, tài chính phân tán (Defi) thay thế cho ngân hàng, tổ chức tự vận hành (DAO) thay thế cho mô hình công ty và tổ chức truyền thống…
Phóng viên: Ý tưởng về hợp tác quy mô lớn dựa trên niềm tin số có thể nói là rất mới mẻ và thú vị. Nhưng liệu rằng những xu hướng này có mang đến cơ hội gì cho người dân Việt Nam hay chỉ là những xu hướng trên thế giới?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng:
Trong thế giới hiện đại ngày nay, không khó để nhận thấy năng lực hợp tác chính là dấu hiệu rõ ràng nhất cho sự tiến bộ của xã hội. Nhìn vào các cường quốc ta dễ thấy một điểm chung là người dân ở các quốc gia đó rất giỏi hợp tác. Trong nước thì nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà chính trị hợp tác cùng nhau chặt chẽ để nhanh chóng đưa khoa học công nghệ vào đời sống. Giữa các doanh nghiệp thì phối hợp cùng nhau tạo nên những tiêu chuẩn về sản phẩm, về chất lượng để tạo ra sự tương thích. Ngoài nước thì hợp tác với các quốc gia khác tạo nên các khối thương mại chung, các tập đoàn hoạt động trên quy mô đa quốc gia…
Nhìn về Việt Nam, thì có thể thấy văn hóa Việt Nam về cơ bản vẫn có nguồn gốc từ văn hóa nông nghiệp. Chính vì thế mà các cơ chế hợp tác truyền thống dựa trên tiêu chuẩn, dựa trên hợp đồng, trên cam kết luật pháp, trên vai trò của các tổ chức trung gian…trong nhiều trường hợp vẫn chưa phát huy hiệu quả tại Việt Nam, dẫn tới một nhận xét là người Việt thường khó hợp tác với nhau.
Đây là một nhược điểm, nhưng cũng lại là mảnh đất màu mỡ cho việc áp dụng blockchain tại Việt Nam.
Phóng viên: Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng để áp dụng blockchain, tuy nhiên khái niệm blockchain đối với đại đa số người dân vẫn còn rất mới mẻ. Liệu rằng Việt Nam đã có đủ lợi thế để có thể ứng dụng blockchain thành công?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng:
Sự mới mẻ của blockchain hiện nay cũng giống như sự mới lạ của Internet những năm đầu thập niên 90. Khi đó đa số người Việt Nam cũng chưa hình dung được Internet là gì. Tuy nhiên chỉ sau 25 năm, Việt Nam đã lọt top 20 quốc gia có số lượng người sử dụng internet cao nhất thế giới. internet đã len lỏi trong mọi mặt của đời sống người dân từ thành thị tới nông thôn, và trở thành một tiện nghi không thể thiếu trong đời sống.
Sự phát triển thần kỳ của internet tại Việt Nam đã khẳng định người Việt rất giỏi làm quen và nắm bắt những thứ mới. Ngay cả với một lĩnh vực còn rất mới như blockchain, thì theo các nghiên cứu, Việt Nam cũng là nước có chỉ số chấp nhận tiền điện tử, blockchain cao nhất thế giới, gần gấp 5 lần người dùng ở Mỹ. Chưa kể Việt Nam đã xuất hiện những đơn vị khởi nghiệp kỳ lân trong lĩnh vực blockchain như Axie Infinity, Coin98, Tomochain, KyberNetwork,…
Tomochain là một trong những đơn vị khởi nghiệp kì lân của Việt Nam trong lĩnh vực blockchain. (Ảnh: trade24h.vn)
Tuy nhiên dù có nhiều lợi thế, nhưng có một thực tế là tại Việt Nam hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho blockchain. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các startup blockchain người Việt lại thường đặt trụ sở tại nước ngoài để dễ dàng hoạt động và gọi vốn. Điều này dẫn tới tình trạng chúng bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn tài chính lớn đang đầu tư vào lĩnh vực blockchain. Thậm chí có những startup blockchain người Việt nổi tiếng thế giới, có định giá tới hàng tỷ đô la, nhưng toàn bộ doanh thu lại được ghi nhận ở quốc gia khác.
Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng đề án về blockchain và tham mưu cho Chính phủ, phối hợp với một số các bộ, ngành khác để có các hành động sớm, cụ thể nhằm hoàn thiện dần khung pháp lý cho blockchain và các ứng dụng liên quan.
Phóng viên: Hiện nay thì cũng có những lo ngại cho rằng một số ứng dụng của blockchain như tiền mã hóa có thể gây bất ổn định tới hệ thống tài chính, hoặc là những khoản đầu tư mang tính chất rủi ro cao. Cùng với đó thì một số dự án blockchain dạng game trong thời gian qua có dấu hiệu lừa đảo nhà đầu tư cũng đã khiến không ít người mất niềm tin vào các dự án blockchain của Việt Nam. Vậy ông nghĩ sao về điều này?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng:
Tôi cho rằng blockchain là một lĩnh vực còn rất mới, và thường trước cái mới khi còn chưa hiểu rõ thì chúng ta thường có những lo lắng. Ngay cả Internet trước khi được đưa vào Việt Nam cũng đã có nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực như lộ bí mật, bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán thông tin xấu độc, khó khăn trong việc quản lý. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh, sự mạnh dạn đưa Internet vào Việt Nam chỉ sau vài năm so với thế giới đã giúp thúc đẩy kinh tế, mở mang tri thức cho toàn dân, mang lại hiệu quả vô cùng lớn. Mặc dù những tác động tiêu cực của Internet là vẫn có, nhưng là rất nhỏ bé so với những yếu tố tích cực mà công nghệ này mang lại cho người dân và đất nước.
Đối với lĩnh vực blockchain, tôi cũng cho rằng chúng ta cần có tinh thần mạnh dạn triển khai giống như tinh thần đã đưa internet vào Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trong một sự kiện về công nghệ thông tin - truyền thông.
Đặc biệt là với tốc độ phát triển rất nhanh chóng của công nghệ hiện nay, hoặc chúng ta tham gia trong nhóm các quốc gia dẫn đầu và cùng kiến tạo môi trường có lợi cho quốc gia, hoặc chúng ta mãi đi sau và nhường lợi thế cho các quốc gia khác.
Những công nghệ có tiềm năng thay đổi diện mạo xã hội toàn diện như blockchain chỉ xuất hiện 20-30 năm một lần. Và trong thời đại hiện nay thì 20-30 năm là một khoảng thời gian rất rất dài, tương đương với 3-4 chu kỳ công nghệ. Chúng ta nhất định không thể bỏ lỡ cơ hội này.
Phóng viên: Xin cám ơn Thứ trưởng đã có những chia sẻ rất thú vị trong dịp đầu xuân mới!