Trung tâm điều hành thông minh được xem là “bộ não số” của Bình Phước (Ảnh: An nhiên).
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã quan tâm đầu tư xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Hiện nay tỉnh có 1.258 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, 777 dịch vụ công mức 4 kết nối thành công với Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 01/63 tỉnh, thành phố). Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử đã được nâng cao (số liệu thống kê hằng ngày đạt trên 95%). Thanh toán trực tuyến và chứng thực điện tử cũng đứng đầu cả nước.
9 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bình Phước đã kết nối trực tuyến trên 300 cuộc họp giữa Trung ương với cấp tỉnh, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã. Ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống COVID-19: tỉnh đã ứng dụng Khai báo y tế điện tử (trên app VHD, Bluezone, PC-COVID), ứng dụng quét mã QR quản lý người, phương tiện vào/ra trên địa bàn tỉnh; nền tảng quản lý tiêm chủng COVID, mẫu xét nghiệm, truy vết...; khai trương Tổng đài 1022 tiếp nhận thông tin hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Một trong những điểm nhấn trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Bình Phước là việc đưa Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh vào hoạt động, là một trong số ít các tỉnh thành đã tiến hành xây dựng và vận hành hiệu quả IOC. Đồng thời, triển khai xây dựng thí điểm IOC của 3 đơn vị cấp huyện (thành phố Đồng Xoài và 2 thị xã Phước Long, Bình Long), tiến tới triển khai cho toàn tỉnh trong thời tới. Đây được xem là “bộ não số” của Bình Phước. IOC phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và chính quyền các cấp trong tỉnh, đồng thời là kênh cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. IOC tỉnh đang từng bước hoàn thiện các dịch vụ và dữ liệu hỗ trợ xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số…
Thời gian tới, tỉnh Bình Phước xác định đẩy mạnh thực hiện và cụ thể hóa các nội dung về chuyển đổi số trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đặc biệt là Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 18/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Bình Phước đẩy mạnh chọn nhóm 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số: Quản lý dân cư, tài nguyên, giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, sản xuất công nghiệp.
Bình Phước đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện, với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty có uy tín, năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin để hợp tác, thuê dịch vụ, ưu tiên triển khai ứng dụng dùng chung, giảm mua sắm, nâng cao hiệu quả. Coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số; lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm./.