Bình Phước chú trọng đảm bảo ATTT trong xây dựng CQĐT

Thứ hai, 11/07/2022 00:12

Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Nhiều kết quả tích cực trong xây dựng CQĐT, chính quyền số

Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ (VPCP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo số hóa trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Hội thảo diễn ra bằng cả hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, VPCP, cho biết Bình Phước là 1/2 địa phương được VPCP chọn làm điểm tổ chức hội thảo số hóa trong thực hiện TTHC. Việc số hóa thực hiện TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân; giảm thiểu giấy tờ, giảm thời gian đi lại trong quá trình giải quyết TTHC; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC của cơ quan nhà nước (CQNN) nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn.

Hội thảo số hóa trong thực hiện TTHC sẽ trang bị thông tin, định hướng sắp tới cho lực lượng trực tiếp thực hiện TTHC của tỉnh, giúp các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai TTHC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, VPCP.

Hiện nay, cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh Bình Phước tích hợp 1.829 DVC, trong đó có 1.665 DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (91,03%); Dịch vụ chứng thực điện tử đã triển khai tại tất cả cấp huyện, cấp xã.

Cho đến nay, hạ tầng CNTT phục vụ hoạt động CQĐT tại Bình Phước đã từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cơ bản của hoạt động CQĐT. Bình Phước là tỉnh xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố về số lượng DVC kết nối Cổng DVC quốc gia, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử đạt mức cao. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử đã được nâng cao, số liệu thống kê hằng ngày đạt trên 95%.

Trong năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo tỉnh Bình Phước đặt ra là theo dõi, đôn đốc, tổ chức thực hiện các nội dung thuộc Dự án đầu tư thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số, địa phương thông minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025. 

Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; 100% DVC được liên thông và kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia; kinh tế số chiếm 20% GRDP…

Với quyết tâm, nỗ lực xây dựng chính quyền số, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai như Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS); Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết CĐS của Tỉnh ủy; ban hành Kiến trúc CQĐT tỉnh, Kiến trúc ICT phát triển địa phương thông minh; ban hành danh mục CSDL dùng chung trên địa bàn tỉnh; ban hành Đề án xây dựng địa phương thông minh tại tỉnh; ban hành quy định Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS CQNN tỉnh.

h441209.png

Đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho CQĐT

Xây dựng CQĐT, chính quyền số, lãnh đạo tỉnh Bình Phước xác định nhiệm vụ quan trọng là phải duy trì bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp, duy trì hiệu quả hoạt động trung tâm giám sát điều hành an toàn/an ninh mạng (SOC).

Về lực lượng tại chỗ, tỉnh đã thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin (ATTT) mạng trên địa bàn tỉnh Bình Phước và ban hành Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Về tổ chức hoặc DN giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp: Thuê Công ty CP ATTT CyRadar cung cấp dịch vụ giám sát, bảo vệ hằng năm, đồng thời thực hiện việc kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia. Đến nay đã có 1.430.486 mối nguy hại được phát hiện và xử lý, trong đó có 1.387.211 mối nguy hại cao, 41.752 mối nguy hại nghiêm trọng đã xử lý.

Hoạt động kiểm tra, đánh giá định kỳ hệ thống ATTT được tổ chức phối hợp với Cục  ATTT - Bộ TT&TT để thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện việc kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia.

Để hạn chế và đối phó với tình hình lây nhiễm mã độc, tỉnh triển khai phần mềm và các thiết bị giám sát ATTT mạng với quy mô dựng theo chuẩn Trung tâm SOC với mục đích giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng, từ đó phối hợp phân tích, ngăn ngừa ứng phó xử lý sự cố hiệu quả trước các cuộc tấn vào hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.A

Vừa qua, Bình Phước đã ban hành Kế hoạch 62/KH-UBND về phát triển chính quyền số, bảo đảm ATTT mạng. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu duy trì 100% văn bản trao đổi giữa các CQNN (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh có thể gửi, nhận văn bản điện tử với Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương thông nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu LGSP; tiếp tục duy trì 100% văn bản phát hành qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được ứng dụng chữ ký số.

Để đạt các mục tiêu, Kế hoạch 62/KH-UBND sẽ hoàn thiện môi trường pháp lý, kịp thời xây dựng và ban hành các văn bản, cơ chế, chính sách để phát triển ứng dụng CNTT, CQĐT, chính quyền số, bảo đảm ATTT trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành để cụ thể hóa các nội dung về ATTT theo hướng quy định về trách nhiệm bảo đảm ATTT đối với tổ chức, cá nhân; các biện pháp bảo đảm ATTT, an ninh mạng. Ngoài ra, Bình Phước sẽ kiện toàn Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời nắm bắt tình hình triển khai ứng dụng CNTT tại các đơn vị, chủ động phối hợp hoặc đề xuất các Bộ, ngành liên quan phối hợp giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

Theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top