Bình Phước bứt phá chuyển đổi số

Thứ bảy, 05/11/2022 06:02

Bình Phước luôn xác định quan điểm và hành động xuyên suốt: coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số.

20210330-m11.jpg 

Ảnh minh họa

Đến nay, Bình Phước đã nỗ lực tạo ra bứt phá, thành công trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS), nhiều nội dung dẫn đầu cả nước. Đây là kết quả của những giải pháp, các chiến dịch thi đua, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân trong thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở triển khai hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về chuyển đổi số.

Đi trước, đón đầu

Tỉnh Bình Phước đã xác định mục tiêu “đi trước, đón đầu” bằng việc tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt, tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm chính trị cao ở các cấp, ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, chuyển đổi số đã trở thành một quyết tâm chính trị lớn của cả hệ thống chính trị. Tỉnh coi đây là nhiệm vụ cần ưu tiên triển khai, gắn với phát động các chiến dịch thi đua, tập trung ở 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Định hướng đến năm 2025, Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số".

Bình Phước luôn coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số, lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển.

Bình Phước là một trong những địa phương sớm triển khai xây dựng đô thị thông minh, bước đầu mang lại kết quả tích cực và rút được những kinh nghiệm quý. Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) đưa vào vận hành giúp lãnh đạo tỉnh thuận tiện trong việc giám sát, chỉ đạo, điều hành. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng được công khai, minh bạch.

Với quyết tâm cao, năm 2021 Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh Bình Phước xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 16 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 25/63). Trong đó, Chỉ số hoạt động chính quyền số xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, kế đến là hạ tầng số 8/63, thể chế số 10/63, hoạt động xã hội số 11/63, nhân lực số 13/63. Về xếp hạng 3 trụ cột chính của chuyển đổi số, chính quyền số của Bình Phước xếp thứ 8/63, kinh tế số xếp 14/63, xã hội số xếp 15/63. Đây là kết quả bứt phá rất ấn tượng, cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh và sự đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp.

Cách làm đột phá, sáng tạo

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước Nguyễn Minh Quang, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Bình Phước luôn ưu tiên và xác định doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình CĐS. Bình Phước luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để các quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực phát triển, giá trị tăng trưởng mới.

Đến nay, Bình Phước đã nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh, đảm bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi. Ngành ngân hàng tỉnh đã cấp mở 912.687 tài khoản thanh toán cho người từ 15 tuổi trở lên để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng và tổ chức cho phép khác. 100% các xã, thôn, ấp đã hoàn thành việc thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng, tạo nên mạng lưới hỗ trợ đều khắp, sát với thực tế, giải quyết các vướng mắc từ cơ sở. Các tổ công nghệ số tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia dịch vụ công trực tuyến.

Trong kinh tế số, Bình Phước đã tạo đột phá khi UBND tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sản xuất. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cùng với chính quyền địa phương cấp huyện thiết lập các sàn thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xây dựng website thông tin thương mại, xây dựng thương hiệu, cung cấp thiết bị, tiện ích trên nền tảng số... Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 220 doanh nghiệp, hợp tác xã đưa 466 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; ngành thuế đã chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với các công ty cung cấp các giải pháp phần mềm kế toán, quản trị triển khai gói tài trợ cho doanh nghiệp, giúp hơn 1.900 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng phần mềm kế toán, quản trị tích hợp cao.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, lan tỏa ý nghĩa, tầm quan trọng và thông điệp của Ngày chuyển đổi số trên môi trường số, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai có hiệu quả các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến trên môi trường mạng...

Bình Phước đang phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT và dịch vụ viễn thông (ICT), các hoạt động kinh tế số nền tảng trên mạng Internet, kinh tế số ngành… với tỷ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm tỷ trọng từ 7 – 10% trong tổng GRDP của tỉnh.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top