Bình Phước đẩy mạnh chuyển đổi số
Tham dự khai giảng chương trình bồi dưỡng, có bà Trần Thị Quốc Hiền - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang; các giảng viên, báo cáo viên của Cục Tin học hóa; cùng trên 230 học viên là chủ tịch, phó chủ tịch UBND của 111 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Chương trình nằm trong đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia, được diễn ra trong 3 ngày (19/7 - 22/7) với các chuyên đề: Nhận thức chung về chuyển đổi số; Phát triển chính quyền số cấp xã; Kỹ năng xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cấp xã và triển khai mạng lưới chuyển đổi số cấp xã...
Phát biểu khai mạc chương trình bồi dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Trần Thị Quốc Hiền nhấn mạnh, xác định chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình dịch vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xác định sớm các lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương, qua đó nâng cao thứ hạng quốc gia. Vì nếu đi nhanh, đi trước, chuyển đổi số sẽ giúp thu hút được nguồn lực; còn đi sau (khi mà chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến) thì nguồn lực trở nên khan hiếm và cơ hội sẽ ít đi, bỏ lỡ cơ hội và động lực phát triển.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số tại tỉnh Bình Phước đạt được một số kết quả nhất định. Về chính quyền số, tỉnh xếp hạng 24/63, kinh tế số xếp 37/63, xã hội số xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố. Điều này được thể hiện qua các tiêu chí: Chuyển đổi nhận thức; đào tạo và phát triển nhân lực; hạ tầng và nền tảng; hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; kiến tạo thể chế; thông tin và dữ liệu chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; an toàn, an ninh mạng. Trong đó, có một số nội dung đứng đầu cả nước như: Việc kết nối dịch vụ công với Cổng Dịch vụ công Quốc gia (1.436 dịch vụ công); thực hiện dịch vụ chứng thực điện tử (lũy kế từ ngày 19/5/2021 là 40.495 hồ sơ); thanh toán phí, lệ phí trên Cổng Dịch vụ công ( thuế trên 348 tỷ đồng; phí, lệ phí trên 282 tỷ đồng).
Hiện tỉnh Bình Phước đang triển khai chiến dịch 92 ngày đêm nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số.