Không gian kinh doanh mở
Ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), chia sẻ: “Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất…, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp biết thêm hình thức bán hàng mới trên các sàn giao dịch điện tử, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản đạt hiệu quả cao hơn”.
Ông Lê Nguyễn Hồng Phương, Phó Chủ tịch Thường trực Vietnam2030, Chủ tịch BIT GROUP, đã chia sẻ những giải pháp cho những khó khăn mà cán bộ, hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh đang gặp phải trong việc ứng dụng công nghệ, giao dịch và kinh doanh nông sản trên sàn TMĐT. Ông Lê Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh: “Tất cả những mong muốn của Hội Nông dân tỉnh cũng như của nông dân và người sản xuất đều xuất phát từ mong muốn sản phẩm hàng hóa làm ra được giải quyết khâu đầu ra thuận lợi, nhanh chóng với giá thành cao, thu lợi nhuận tốt nhất. Công ty đã thống nhất phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức buổi tọa đàm này để hỗ trợ người nông dân nói riêng và người sản xuất, hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận những giải pháp đưa hàng nông sản lên nền tảng đa kênh nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất”.
Nông dân rất cần hỗ trợ
Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đặt ra mục tiêu hết năm 2022 có trên 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên các sàn TMĐT. Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh Bình Dương về tham gia chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với 5 chương trình hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, Bưu điện tỉnh phối hợp hỗ trợ thu thập đưa thông tin của ít nhất 5.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch Posmart.vn/Agri-posmart.vn.
Sàn TMĐT không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp... Tuy nhiên, hiện số lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT còn khiêm tốn. Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận sàn TMĐT nên còn nhiều bỡ ngỡ; việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng; giá bán cũng chưa phù hợp với biến động của thị trường... Mặt khác, việc ứng dụng nền tảng số, bán hàng thông qua phương thức phát hình ảnh trực tiếp (livestream) cũng như cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn TMĐT… cũng chưa được triển khai thường xuyên.
Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết chuyển đổi số là xu thế tất yếu, dù muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn diễn ra, giúp nông dân rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Thực tế cho thấy chuyển đổi số là công cụ hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cho nông sản, năng suất lao động chất lượng, sản lượng tăng đáng kể. Đồng thời, thực thi mục tiêu mong muốn, mở rộng kênh thông tin và giải pháp tối ưu, đưa mặt hàng đến với khách hàng và thông qua các kênh bán lẻ online, do đó cần phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ tiến hành CĐS. “Tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hợp tác xã, người nông dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT”, ông Đỗ Ngọc Huy chia sẻ thêm.