Công ty Hansol vina phối hợp cùng Trung tâm y tế thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương lấy mẫu gộp sàng lọc cho toàn bộ 4.000 người lao động tại nhà máy. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Lực lượng thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Bình Dương thường xuyên rà soát và đã phát hiện hàng trăm tài khoản mạng xã hội như Facebook, Youtube… đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung sai sự thật về dịch COVID-19.
Trong đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xác minh và xử lý 25 cá nhân sử dụng mạng xã hội Facebook, Youtube để đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung sai sự thật.
Đối với các trường hợp chủ tài khoản Facebook ở ngoài tỉnh Bình Dương, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã chuyển thông tin đến các tỉnh để xác minh xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi được Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông mời làm việc, các đối tượng đã nhận thức được hành vi phạm pháp luật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình phòng, chống COVID-19 nên đã tự nguyện tháo gỡ bài viết và cam kết không tái phạm. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai cá nhân với tổng số tiền 15 triệu đồng.
Bên cạnh việc rà soát thông tin đăng tải trên mạng xã hội, lực lượng Thanh tra đã rà soát việc đăng tải thông tin của các báo điện tử có phản ánh về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kết quả là đã phát hiện ba báo điện tử đăng tải bài viết không đúng sự thật, Thanh tra Sở đã nhắc nhở và yêu cầu đính chính thông tin.
Ông Lê Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên mạng.
Các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố được yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Các đơn vị cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, đảm bảo thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ. Đồng thời, cần tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới sự việc bị suy diễn, xuyên tạc.
Các đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch có liên quan đến phạm vi quản lý để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Các lực lượng trực thuộc tham gia phòng, chống dịch thực hiện nghiêm và đúng quy định của cấp có thẩm quyền, có thái độ đúng mực với người dân, tránh gây bức xúc, bất bình, làm nóng vấn đề, phát tán các thông tin bất lợi lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực thi các biện pháp phòng, chống dịch.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Công an tỉnh cần tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, các cơ quan, đơn vị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.
Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết; nắm bắt dư luận truyền thông nước ngoài để phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và báo chí cả nước kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc. Các cơ quan báo chí truyền thông cần chủ động cung cấp lại thông tin chính thống cho người dân khi cần thiết...