Bình Dương đã nhập gần 940.000 dữ liệu lên cơ sở dữ liệu hộ tịch, đạt 100% chỉ tiêu giao, vượt tiến độ đề ra trước 18 ngày.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2022, Bình Dương đã triển khai nhiều Kế hoạch để "đẩy nhanh, tăng tốc" hoàn thành đạt, vượt các nhiệm vụ đề ra như: Triển khai cao điểm 45 ngày đêm thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06; nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đối với hồ sơ lưu từ ngày 01/6/2017 trở về trước); mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến tại các điểm cơ sở trên địa bàn tỉnh; "cao điểm 10 ngày đêm" thực hiện xác thực cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, chi trả chính sách không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tổ chức triển khai nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 23/11, đến nay, đã nhập gần 940.000 dữ liệu lên cơ sở dữ liệu hộ tịch, đạt 100% chỉ tiêu giao, vượt tiến độ đề ra trước 18 ngày, giảm chi phí thuê máy, tiết kiệm được hơn 45% ngân sách Nhà nước.
Tỉnh cũng triển khai thí điểm các mô hình theo Đề án 06 như: Mô hình dịch vụ công trực tuyến tại các địa điểm công cộng đông dân cư; mô hình khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp; mô hình triển khai tiếp nhận thông báo lưu trú cho các cơ sở cho thuê lưu trú; mô hình cấp chữ ký số và thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục.
Về mô hình thực hiện xác thực cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, chi trả chính sách không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, Bình Dương đảm bảo trước 31/12/2022, dữ liệu người có công, bảo trợ xã hội được đối sách, xác thực, làm sạch, sẵn sàng cho việc đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng và thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng này từ đầu năm 2023.
Bình Dương đề xuất, kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành nhanh chóng trao đổi, phối hợp và có hướng dẫn chung để địa phương có căn cứ pháp lý, chủ động triển khai đạt hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách khi đầu tư thực hiện;
Tỉnh cũng đề nghị nâng cấp đường truyền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tốc độ cao hơn (hiện tại thường xuyên bị chậm, ảnh hưởng đến tốc độ xử lý hồ sơ gây mất thời gian thực hiện các thao tác trên hệ thống). Hoàn thiện ứng dụng VNEID, khắc phục các lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng của người dân để phù hợp hơn, dễ sử dụng hơn, thân thiện hơn tạo điều kiện để người dân cùng thực hiện chuyển đổi số, góp phần thực hiện tốt Đề án 06;
Đồng thời, mở chức năng theo dõi việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử của người dân cho Công an tỉnh; Sớm chia sẻ cho Bình Dương bản đồ số của tỉnh để phục vụ cho thực hiện Đề án 06 đạt hiệu quả và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.