Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu: Hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG, TƯ chậm ban hành

Thứ ba, 19/09/2023 18:10

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, các văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành chậm đã làm ảnh hướng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh.

h83.jpg

Chiều 21/7, đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc. 

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành và phát triển, công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã được quan tâm đầu tư.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang dần được mở rộng ở các địa phương, chương trình du lịch nông thôn và công tác chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh được tỉnh quan tâm đầu tư và được các địa phương và người dân hưởng ứng.

 Các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn ở tỉnh phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn. Đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2025 của tỉnh trong việc thực hiện các chương trình MTQG là có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3%, 4 xã và 3 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 2,0-2,2%.

Liên quan giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG, đến ngày 19/7/2023, tỷ lệ giải ngân đạt 34,2%. Theo ông Nguyễn Văn Phương, khó khăn vướng mắc trong áp dụng các quy định quản lý, tổ chức thực hiện từng chương trình MTQG chưa thể giải ngân nhanh dự toán vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình do chưa có hướng dẫn đầy đủ của trung ương hoặc còn nội dung hướng dẫn chưa thống nhất giữa các văn bản do bộ, cơ quan Trung ương ban hành. 

Ông Nguyễn Văn Phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phổ biến và tổ chức hướng dẫn, tập huấn để địa phương thực hiện đồng bộ, tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. 

Ông Nguyễn Văn Phương cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có giải pháp xử lý dứt điểm, ban hành văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện các nội dung còn vướng mắc trong áp dụng các thông tư, văn bản do cấp bộ ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, không trái quy định pháp luật. 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, để triển khai các chương trình MTQG, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát động nhiều phong trào, về phía HĐND tỉnh cũng đã ban hành 39 nghị quyết. Ông Lê Trường Lưu cho biết, các văn bản hướng dẫn của trung ương ban hành chậm đã làm ảnh hướng đến tiến độ triển khai các dự án. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thừa Thiên Huế cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa, phát huy, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả đối với việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn.

Ông Trần Quang Phương cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách của trung ương và địa phương còn vướng mắc để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá lại dự kiến mức độ thực hiện và khả năng hoàn thành của từng chương trình tính đến các mốc hết năm 2023, 2024 và 2025, cụ thể đối với từng dự án, nội dung thành phần. Xác định các nguyên nhân, các yếu tố tác động để có biện pháp cụ thể thực hiện việc giải ngân nguồn vốn trung ương đã phân bổ năm 2021, 2022, 2023. 

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Thừa Thiên Huế tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên đoàn giám sát, bổ sung hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát. Trong đó, lập danh mục các nội dung còn khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành về từng chương trình, các dự án, tiểu dự án...

Về các kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, tiếp thu và sẽ có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, giúp tỉnh đạt được những mục tiêu đã đề ra. 

Theo danviet.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top