Dự hội nghị đối thoại còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hội Nông dân tỉnh và 247 đại biểu là cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, diễn đàn đối thoại với nông dân rất quan trọng, dân chủ, để đại diện cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đây cũng là dịp để đánh giá toàn diện hơn cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn nhằm tháo gỡ các nút thắt về cơ sở pháp lý và vai trò của các ngành, các cấp đối với đầu ra của nông, lâm, thủy sản; xuất xứ nông sản và thương hiệu; phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản; phát triển hợp tác xã...
"Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm và trân trọng lắng nghe những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân. Tôi đề nghị các sở, ngành trên tinh thần cầu thị, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, lắng nghe, trả lời đầy đủ chi tiết, đúng và trúng những nội dung cán bộ, hội viên, nông dân đặt ra tại Hội nghị này" - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Hàng chục câu hỏi tâm huyết gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Thoại, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã báo cáo tổng hợp 29 câu hỏi và câu trả lời của đại biểu dự hội nghị đã được tổng hợp trước hội nghị. 29 câu hỏi xoay quanh các vấn đề về tài nguyên môi trường (6 câu), chính sách bảo hiểm y tế (3 câu) vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, giá cả thị trường (6 câu), vấn đề cơ chế chính sách (14 câu).
Cụ thể, đại biểu Đặng Chí Thanh (ấp Cái Keo, xã An Phúc, huyện Đông Hải) nêu: Hiện tại nguồn nguyên liệu thủy sản (tôm, cá…) của nông dân ở xã nói riêng và huyện Đông Hải nói chung rất lớn nhưng việc chế biến các mặt hàng thủy sản thành các sản phẩm đạt chuẩn OCOP như tôm khô, chả cá… cung ứng ra thị trường số lượng có giới hạn, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Nguyên nhân do nông dân chỉ chế biến nông sản bằng phương pháp thủ công truyền thống, không có máy móc, trang thiết bị hiện đại để áp dụng vào sản xuất, chế biến.
Nên đại biểu Đặng Chí Thanh kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cho nông dân và các cơ sở chế biến thủy sản được tiếp cận về vốn; khoa học, kỹ thuật, phương tiện sản xuất hiện đại giúp cho nông dân làm ra các sản phẩm thủy sản đạt về số lượng và chất lượng đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, và giá cả có tính cạnh tranh ngoài thị trường.
Đại biểu Lý Văn Sól (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) đặt câu hỏi: Hiện nay, người dân một số nơi trong tỉnh muốn thực hiện mô hình du lịch sinh thái vùng nông thôn, nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của con người Bạc Liêu, vấn đề này rất cần vốn đầu tư. Đại biểu Sól muốn biết Ngân hàng trong tỉnh có cho vay ở lĩnh vực này không và cho vay với phương thức nào (tín chấp hay thế chấp)?
Còn đại biểu Đặng Đá Thạch (Xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) ý kiến: Kết quả xây dựng nông thôn mới có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, xã đạt chuẩn nông thôn mới và đã chuyển sang giai đoạn nâng cao. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội dù đã được đầu tư xây dựng lớn nhưng không được thường xuyên bảo dưỡng, duy tu, sử dụng hiệu quả, đang có dấu hiệu xuống cấp.
Trong khi đó, công tác quản lý ở một số cơ sở ở nông thôn cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ cơ sở, của ấp. Vậy xin hỏi Chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Trí Khải (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân), bức xúc: Hiện nay tình trạng vận động người dân mua BHYT khó khăn, do một số cơ sở khám BHYT khi kê toa yêu cầu người dân tự mua thuốc, do không đủ thuốc cấp nên vì người dân e ngại khi tham gia BHYT. Đề nghị cấp trên chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ vướng mắc nêu trên.
Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến trực tiếp gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu xung quanh các vấn đề chính sách hỗ trợ nông dân, giao thông nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống đê cấp nước phục vụ nông dân nuôi tôm, giá lúa gạo...
Cụ thể nông dân Nguyễn Văn Sáu (huyện Hòa Bình), ý kiến: Trong điều kiện hiện nay nông dân sản xuất gặp nhiều khó khăn, đề nghị tỉnh nên xem xét hỗ trợ nông dân những vấn đề thực tế, cần thiết, giúp người dân có điều kiện phát triển, không nên hỗ trợ dàn trải, dư thừa, không tác dụng như trước đây.
Ông Sáu cũng ý kiến, tỉnh Bạc Liêu có bờ biển rất đẹp, bãi bồi, chúng ta nên quy hoạch một bờ biển đẹp, múc tuyến đê dọc theo bờ biển làm bờ kè, trong khi đó tỉnh có nhiều lợi thế khác như điện gió... kết hợp sẽ thu hút khách du lịch đến Bạc Liêu.
Ông Sáu lấy ví dụ cụ thể, với nông dân nuôi tôm thì đầu tư đường, hệ thống cống cấp nước và mỗi xã cần có một cán bộ xét nghiệm chất lượng tôm; đối với nông dân sản xuất công nghệ cao thì hỗ trợ khoa học công nghệ...
Đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng (xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu) ý kiến: Nông dân xã Hiệp Thành canh tác nuôi tôm thâm canh nhưng tuyến kênh chính dẫn nước phục vụ nông dân nuôi tôm 4 năm nay không được nạo vét để khai thông, dẫn nước, gây khó khăn cho nông dân nuôi tôm.
Xử lý dứt điểm ý kiến của bà con nông dân
Về 29 câu hỏi của các đại biểu được Hội Nông dân tổng hợp và được trả lời, còn các ý kiến của đại biểu hỏi trực tiếp tại hội nghị đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trả lời tại hội nghị.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khen ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Sáu hay, thiết thực. Tuy nhiên, nếu đầu tư về cơ sở vật chất thì tỉnh có thể bố trí được nhưng hiện nay tỉnh chưa đủ nguồn lực để bố trí mỗi xã một người (kỹ sư) đủ năng lực xét chất lượng tôm, giống tôm. Về ý kiến này Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ghi nhận và tỉnh sẽ nghiên cứu có lộ trình đầu tư nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Ông Phạm Văn Thiều thừa nhận nếu tuyến bãi biển của Bạc Liêu múc tuyến đê chạy dài theo bờ biển làm bờ kè sẽ rất đẹp, nhưng việc múc kinh, làm đê liên quan vấn đề đất đai, quy hoạch, phải có thời gian nghiên cứu cụ thể...
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng, ông Nguyễn Văn Thiều cho biết, trước đây tỉnh có hệ thống cống ven tuyến biển, mở rộng tuyến đường chống xâm ngập mặn, nhưng chưa hoàn chỉnh, quá trình thi công còn ì ạch nên chưa khai thông tuyến cống phục vụ cấp nước cho bà con nuôi tôm.
Ông Thiều thông tin, tỉnh đã làm việc với nhà đầu tư đẩy nhanh thi công hệ thống cống, đồng thời ông đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh, huyện Hòa Bình, TP.Bạc Liêu cần ngồi lại quy hoạch hợp lý để thời gian tới sẽ phục vụ tốt hơn cho nông dân.
Về vấn vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thanh tra Sở NN&PTNT, ngành thú ý cần tăng cường kiểm tra, cơ sở nào không thực hiện đúng quy định, ảnh hưởng sức khỏe người dân đề nghị đóng cửa, vĩnh viễn không cho làm nghề giết mổ...
Ngoài ra tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng trao đổi về vấn đề lao động nông thôn đi lao động nước ngoài của tỉnh còn thấp, mặc dù tỉnh có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các cấp chính quyền địa phương, hội nông dân cần cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân hiểu về việc đi lao động nước ngoài tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lữ Văn Hùng, Bí Thư Tỉnh ủy Bạc Liêu trao đổi thêm về các vấn đề đại biểu đặt ra tại hội nghị. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành cần suy nghĩ những vấn đề bà con nông dân đặt ra và từng ngành, từng đơn vị phải có trách nhiệm trả lời bà con nông dân. Không những trả lời mà còn tìm hiểu, xử lý dứt điểm, không để mỗi lần đối thoại bà con nông dân đều đặt câu hỏi, bức xúc một vấn đề cũ.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng chia sẻ, mặc dù tỉnh còn nhiều khó khăn nên người lãnh đạo chỉ huy đơn vị, địa phương phải tính toán việc gì cần ưu tiên giải quyết trước, không để dàn trải, thiếu tập trung.
"Mong bà con nông dân tỉnh nhà trong thời gian tới vẫn luôn luôn ủng hộ, đồng hành với các ngành, các cấp, đại phương; mạnh dạn góp ý đóng góp cho Đảng, chính quyền các cấp nhiều hơn nữa trong lãnh, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế- xã hội địa phương mình.
Đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh nhà nên nói ít làm nhiều, không nên nói nhiều làm ít; cần sửa ngay, sửa nhanh, lẹ điều đó" - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh.