Bí Thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; các đồng chí ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị: Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đơn vị thuộc BộTT&TT; các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố, các Sở, ngành thuộc TP.Hà Nội, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.
Tại buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đã báo cáo kết quả thực hiện công tác TT&TT từ năm 2019 đến tháng 6/2020, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 và những kiến nghị, đề xuất với Bộ TT&TT trong thời gian tới. Cũng tại Hội nghị, đại diện các Sở, ngành của thành phố và đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT đã phát biểu, đề xuất, kiến nghị tới Bộ TT&TT và UBND TP.Hà Nội nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020 - 2021 và các năm tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh: Bộ TT&TT quản lý 6 lĩnh vực gồm: Lĩnh vực Bưu chính; Lĩnh vực Viễn thông; Lĩnh vực Ứng dụng CNTT; Lĩnh vực An toàn, an ninh mạng; Lĩnh vực Công nghiệp ICT; Lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Về lĩnh vực bưu chính hiện tăng trưởng 30 - 40%, và dự báo tốc độ tăng trưởng của bưu chính sẽ giữ được tăng trưởng khoảng trong 5 - 10 năm nữa. Bộ trưởng đề nghị TP.Hà Nội coi lĩnh vực bưu chính là một hạ tầng thiết yếu, là một trong những nền tảng của hạ tầng số. Bưu chính đảm bảo dòng dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Và TP.Hà Nội xem xét tạo điều kiện hỗ trợ về mặt bằng cho các doanh nghiệp bưu chính phát triển.
Vừa qua, Bộ TT&TT giao cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng Bộ mã bưu chính đến địa chỉ Vpostcode, trên nền tảng bản đồ số Việt Nam Vmap, một sản phẩm trên nền tảng Việt Nam, sẽ là nền tảng dùng chung cho các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và phát triển thương mại điện tử. Đề nghị TP.Hà Nội tiếp tục hỗ trợ cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xác định chính xác tới từng hộ gia đình trong năm 2020 này.
Về viễn thông, đây là hạ tầng quan trọng nhất của kinh tế số, TP.Hà Nội muốn phát triển kinh tế số thì phải đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông đầu tiên. Do vậy, năm 2020, Sở TT&TT phải lập được kế hoạch phát triển hạ tầng số, mời các doanh nghiệp công nghệ đầu tư theo yêu cầu của thành phố. Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội đặt ra mục tiêu đi đầu về đầu tư phát triển mạng 5G. Ngoài ra, thành phố cần quan tâm đầu tư hạ tầng tại các Khu công nghiệp và Khu công nghệ tập trung thì bắt buộc phải có 5G và hiện thiết bị 5G do chính người Việt Nam sản xuất (Việt Nam là 1 trong 5 nước sản xuất được thiết bị 5G). Thành phố cũng nên đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2020 hoặc đến đầu năm 2021 mỗi người dân thành phố sử dụng một điện thoại thông minh; phát triển cáp quang tới mỗi hộ gia đình phục vụ việc dạy, việc học trực tuyến, làm việc trực tuyến (hiện thành phố còn gần 40% số hộ gia đình chưa có đường cáp quang)… và Bộ TT&TT đang có chương trình cụ thể để thúc đẩy các đường cáp quang đến từng hộ gia đình, nhất là trong dịp Covid-19 vừa qua.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các nhà mạng viễn thông, mạng xã hội được coi là doanh nghiệp nền tảng, do vậy các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm với xã hội, nghĩa là nền tảng phải sạch, các loại rác viễn thông (tin nhắn rác, Sim rác, cuộc gọi rác…), các loại rác trên mạng xã hội phải được loại bỏ và làm sạch. Và trách nhiệm của các doanh nghiệp nền tảng phải dọn sạch “đống rác” này. Đề nghị thành phố yêu cầu Sở TT&TT tăng cường công tác thanh, kiểm tra diện rộng về vấn đề này.
Mặt khác, các doanh nghiệp viễn thông cần cố gắng để sớm ra được nền tảng thanh toán điện tử, Chính phủ cho phép thí điểm sử dụng thanh toán không dung tiền mặt (Mobile Money) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử…
Về ứng dụng CNTT: Bộ trưởng đề nghị thành phố tập trung xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, phát triển dịch vụ công mức độ 4. Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng với chính quyền thành phố để đẩy nhanh dịch vụ công mức độ 4 cơ bản trong năm 2020. Đối với Chính phủ số, đó là thay đổi cách điều hành chính quyền, chủ yếu dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Từ đây sẽ sinh ra nhiều dịch vụ mới, ứng dụng mới phục vụ người dân, ra được các ứng dụng giúp ích cho người dân sử dụng.
Về Đô thị thông minh tức là đưa CNTT, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Vừa rồi, Thủ tướng đã ký Chương trình chuyển đổi số quốc gia bao gồm cả Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Đô thị thông minh… Do vậy, đề nghị thành phố có chiến lược chuyển đổi số cho thành phố và Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ để hoàn thành chiến lược trên thực chất và có hiệu quả. Vấn đề chuyển đổi số là thay đổi mô hình hoạt động, mô hình quản trị, dùng chung phần mềm, vừa qua, Bộ TT&TT đã hiện thực hóa mỗi một tuần sẽ giới thiệu một nền tảng ứng dụng mới như nền tảng đào tạo từ xa, khám chữa bệnh từ xa, nền tảng về kế toán, nền tảng hội nghị trực tuyến… đều do người Việt Nam phát triển. Về kinh tế số, TP.Hà Nội cần đặt ra mục tiêu đạt 30% GDP cho thành phố vào năm 2025.
Về an toàn - an ninh thông tin, thành phố cần phát hiện và cảnh báo sớm về vấn đề này; triển khai hệ thống 4 lớp về an toàn thông tin. Thành phố, cùng với Bộ TT&TT cần đi đầu trong việc xác định danh tích số trên không gian mạng, tránh tình trạng thông tin giả, bôi nhọ, bịa đặt … Đồng thời, đề nghị thành phố dùng sản phẩm an toàn, an ninh mạng của Việt Nam sản xuất (hiện có gần 80% sản phẩm an toàn, an ninh mạng do người Việt Nam sản xuất); xây dựng Hà Nội trở thành thành phố hàng đầu về an toàn, an ninh mạng không chỉ trong khu vực và trên thế giới.
Về lĩnh vực công nghiệp ICT: Thành phố ưu tiên đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài và phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với 4 loại hình (các doanh nghiệp toàn cầu, doanh nghiệp làm ra sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp triển khai và các doanh nghiệp Start-up); ưu tiên cho các doanh nghiệp phát triển 5G; thành phố hỗ trợ cho phát triển công nghiệp 4.0, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, công nghệ số, AI, AoT, Big Data … Bộ TT&TT sẵn sang đồng hành cùng thành phố trong những vấn đề nêu trên.
Về báo chí, truyền thông: Trong thời gian qua, lĩnh vực báo chí, truyền thông đã thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội. Đặc biệt, báo chí đã tạo ra khát vọng về một Việt Nam hùng cường, góp phần tạo ra giá trị tinh thần. Bộ trưởng nêu rõ, thời gian tới, cần tập trung phát triển công nghệ và báo chí truyền thông được ví như “đôi cánh” để thành phố Hà Nội bay lên. Đề nghị thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch báo chí, để báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; thành phố cũng cần có chính sách đặt hàng báo chí. Bộ TT&TT sẽ đứng ra hỗ trợ các cơ quan báo chí Thủ đô về công nghệ làm báo, về nền tảng chuyển đổi số;…Về hoạt động thông tin cơ sở, truyền thanh cơ sở vừa qua phát huy rất hiệu quả về tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, thành phố cần quan tâm hơn nữa để phát huy hiệu quả, nhất là trong tình trạng khẩn cấp…
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa TP.Hà Nội và Bộ TT&TT về thỏa thuận hợp tác phát triển thông tin và truyền thông trong các năm 2020, 2021
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hạ ngầm toàn bộ cáp viễn thông. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia công việc này, thành phố đã làm việc với 27 doanh nghiệp để thống nhất giá chung; giao cho Sở Xây dựng là đầu mối cấp phép. Dịp này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị Bộ TT&TT quan tâm phủ sóng wifi cho tất cả các khu, cụm công nghiệp; các khu du lịch, làng nghề để thu hút nhà đầu tư và khách du lịch. Bên cạnh đó, Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT cùng các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, giúp đỡ thành phố trong việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh và toàn bộ trung tâm phân tích dữ liệu của thành phố; xây dựng các hạ tầng dịch vụ dùng chung; chiến lược chuyển đổi số… giúp thành phố phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, xây dựng hệ thống an toàn bảo mật thông tin.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT có vai trò đặc biệt quan trọng với Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã hỗ trợ, giúp đỡ tích cực, hiệu quả cho TP.Hà Nội. Và từ buổi làm việc hôm nay, TP.Hà Nội sẽ tiếp thu những kết quả đã đạt được để đưa vào chiến lược phát triển dài hạn của Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hà Nội có tiềm năng lớn về lĩnh vực CNTT và truyền thông song vẫn chưa phát huy hết thế mạnh vốn có. Kết quả buổi làm việc hôm nay sẽ là nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử theo hướng ngày càng tinh gọn, hiệu quả và tiến tới xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Hà Nội đã đặt ra mục tiêu phát triển rất cụ thể trong lĩnh vực khoa học công nghệ và sẽ dành nguồn kinh phí tối đa để đầu tư cho lĩnh vực này, nhằm tạo ra dư địa phục vụ đầu tư, phát triển và tăng nguồn thu. Hà Nội đã đặt mục tiêu kinh tế số đạt tốc độ tăng trưởng 25% và sẽ phấn đấu đạt mức 30%, từ kết quả buổi làm việc này.
Nhân dịp này, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hỗ trợ TP.Hà Nội xây dựng chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số để đến năm 2026 Hà Nội trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng của cả nước và mục tiêu của cả khu vực.…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thay mặt Ban Cán sự Đảng TP.Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển TT&TT trong các năm 2020, 2021 và định hướng trong thời gian tiếp theo.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực viễn thông trên địa bàn thành phố giữa UBND TP.Hà Nội với 5 tập đoàn, Tổng công ty lớn
Cũng tại Hội nghị, UBND TP.Hà Nội đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trong lĩnh vực viễn thông trên địa bàn TP.Hà Nội với 5 đơn vị là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn FPT, Tập đoàn công nghệ CMC.