Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác truyền thông

Thứ sáu, 10/04/2020 07:56

Sáng 9-4, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện quy hoạch báo chí thành phố; công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; giải pháp tăng cường hiệu quả công tác truyền thông của thành phố.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các cơ quan báo chí thành phố.

Phóng viên báo chí cũng là chiến sĩ trên tuyến đầu
 
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, lãnh đạo Thành ủy rất quan tâm công tác truyền thông, báo chí. Thành ủy muốn làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và các cơ quan báo chí để lắng nghe, qua đó hiểu rõ hơn tình hình, việc tham gia của báo chí vào những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố từ nay đến hết năm 2020 - năm có nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhiều sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước; việc thực hiện quy hoạch báo chí, công tác tự chủ tài chính, những khó khăn vướng mắc, nhất là đối với báo in... Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố đang thực hiện nhiệm vụ kép vừa tập trung chống dịch Covid-19, vừa thực hiện nhiều công việc quan trọng khác, báo chí đã tham gia rất tích cực, các phóng viên, báo chí tác nghiệp cũng là những chiến sĩ trên tuyến đầu.
 
20200410-l1.jpg
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí thành phố
 
“Thành ủy rất muốn nghe ý kiến của các đồng chí để qua đây đánh giá sâu sắc hơn, lột tả được thực tế vai trò, kết quả của công tác thông tin, truyền thông, báo chí, trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố; đồng thời xác định được phương hướng, nhiệm vụ phát triển thông tin, truyền thông, báo chí trong 5 năm tới”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói.
 
Tiếp đó, các đại biểu đã tập trung trao đổi về những kết quả đạt được, vấn đề tồn tại, hạn chế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thông tin, truyền thông và báo chí.
 
Trong đó, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng “Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025”; duy trì giao ban quản lý nhà nước về báo chí; kịp thời nhắc nhở các cơ quan báo chí của thành phố thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đúng định hướng.
 
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, công tác hỗ trợ, đặt hàng tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố đối với các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội còn chậm. Hệ thống báo chí Hà Nội nhiều nhưng chưa mạnh. Sở kiến nghị Thành ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí; quan tâm, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, giúp các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị...
 
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh công tác tham mưu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, từng bước xây dựng thành phố thông minh. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng 4G; triển khai thử nghiệm mạng 5G; chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố. Sở cũng đã tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước, chuyển mạng giữ số.
 
Làm rõ thêm một số lĩnh vực cụ thể, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, mục tiêu của Sở là xây dựng hạ tầng bưu chính, viễn thông đồng bộ, hiện đại với mục tiêu hạ tầng đáp ứng được phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phòng, chống thiên tai. Trong đó, lĩnh vực bưu chính đã có hạ tầng đầy đủ, thuận lợi để thúc đẩy phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh và logistics.
 
Về viễn thông, Hà Nội là địa phương có nhiều trạm thông tin di động nhất cả nước, với 8.700 trạm. Tuy vậy, bên cạnh sự phát triển của mạng di động đã xuất hiện tình trạng lợi dụng, vi phạm pháp luật liên quan, nên công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đòi hỏi ngày càng cao.  
 
Thảo luận về công tác báo chí, truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí Hà Nội đã làm rõ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; nêu các kiến nghị, đề xuất đối với thành phố. Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Đặng Võ Tuấn, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng, mặc dù còn khó khăn về nhiều mặt, nhưng trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra trên địa bàn, cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, với tinh thần xung kích đã lăn xả vào những địa bàn trọng điểm, phản ánh sinh động cuộc chiến chống dịch, qua đó góp phần động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, nhân dân Thủ đô chung sức cả hệ thống chính trị của thành phố quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với các cơ quan thành phố, tập trung chủ yếu vào cơ chế chính sách tài chính, cơ chế đặt hàng; xét tuyển bổ sung biên chế; tạo điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tòa soạn hội tụ, chuyển đổi số...
 
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động
 
Trao đổi về các nội dung liên quan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố, báo chí Hà Nội vào cuộc rất tích cực, quyết liệt, ngoài việc xây dựng kế hoạch hằng năm, còn xác định trọng tâm, trọng điểm tuyên truyền. Quan điểm của UBND thành phố là hướng tới xây dựng các cơ quan báo chí tự chủ nhưng có sự hỗ trợ của thành phố, như đầu tư về cơ sở vật chất và thực hiện cơ chế đặt hàng. UBND thành phố cũng sẽ quan tâm đẩy mạnh phát triển báo điện tử của thành phố và hiện nay đã giao các cơ quan báo chí xây dựng đề án.
 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đang hoàn thiện lần đầu tiên có chỉ tiêu phấn đấu đạt 25% kinh tế số; một trong 3 khâu đột phá là xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Do đó, công nghệ thông tin và lĩnh vực thông tin, truyền thông có vị trí rất quan trọng trong định hướng phát triển thành phố trong 5 năm tới.
 
Về báo chí, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhận định, báo chí Hà Nội được quản lý chặt chẽ. Các cơ quan báo chí tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy. Mặc dù trong nhiều sự kiện, vấn đề lớn, tính dẫn dắt, tính định hướng của báo chí Hà Nội cần phải tăng cường hơn nữa, nhưng sự thống nhất, quyết tâm, bảo đảm tính chính trị luôn được thực hiện tốt. Tiêu biểu là, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, báo chí Hà Nội thực hiện rất tốt, được Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và cán bộ, nhân dân đánh giá cao. Chỉ trong thời gian ngắn, báo chí Hà Nội đã thực hiện 18.000 tin, bài tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn, góp phần vào định hướng thông tin tốt, tích cực; đấu tranh được với thông tin xấu trên môi trường mạng.
 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng, vấn đề hiện nay là chưa có cơ chế thống nhất và dài hơi để hỗ trợ báo chí Hà Nội phát triển, vừa giữ được bản sắc, vừa nâng cao được chất lượng.
 
Đáng chú ý, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, kiến nghị bổ sung biên chế của các cơ quan báo chí là xác đáng, cần giao Ban Tổ chức Thành ủy hướng dẫn thi tuyển hoặc xét tuyển, bảo đảm chỉ tiêu cho Báo Hànộimới và các báo khác. Sở Thông tin và Truyền thông cần hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ tác nghiệp công nghệ thông tin của báo chí Hà Nội. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí Hà Nội sắp tới sẽ thiếu hụt vì nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Do đó, các báo cần chủ động trong công tác cán bộ. Ban Tổ chức Thành ủy cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cán bộ, phóng viên báo chí Hà Nội đã tham gia rất tích cực, thực sự là những chiến sĩ tuyến đầu. Do đó, đồng chí hoàn toàn đồng tình với việc UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông phải quan tâm, hỗ trợ kịp thời để động viên.
Về vấn đề đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu làm rõ là cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, quy định về cung cấp thông tin đã có, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông phải kiểm tra, giám sát; đơn vị, cơ quan, địa phương nào không cung cấp thông tin, gây chậm trễ, bức xúc thì phải đề xuất xem xét, xử lý trách nhiệm.
 
Nỗ lực phấn đấu để xứng với vị thế của Thủ đô
 
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo của Trung ương và thành phố, triển khai tốt công việc và đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cùng thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, các lĩnh vực công tác thông tin, truyền thông, trong đó có báo chí, đều còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Sự năng động, sáng tạo, tính sắc bén, hiệu quả, tinh thần chiến đấu, sức lan tỏa còn chưa được như mong muốn. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan là các cơ quan, đơn vị chưa thực sự đắm mình vào đời sống thực tiễn; chưa khai thác hết tiềm năng thông tin to lớn của Thủ đô.
 
Đồng ý với 13 nhóm giải pháp được Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mỗi lĩnh vực của ngành đều có những cơ hội đang mở ra và Sở phải tập trung phát triển các lĩnh vực bưu chính và viễn thông. Trong đó, bưu chính cả nước đang tăng trưởng khoảng 30-50%/năm. Sắp tới đây, trên nền tảng thương mại điện tử, lĩnh vực này sẽ phát triển rất mạnh mẽ, là dòng chảy chính, tiềm năng to lớn khi cả nước có tới 24 triệu hộ gia đình. Đây còn là lĩnh vực quan trọng trong phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy, lĩnh vực viễn thông của thành phố chưa phát triển tương xứng, chững lại nhiều so với các nước trên thế giới. Sở Thông tin và Truyền thông phải tham mưu quy hoạch phát triển viễn thông, có kế hoạch hằng năm, thu hút các nhà mạng tham gia đầu tư, phát triển.
 
Đối với phát triển công nghệ thông tin, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phải thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, từ đó tập trung đưa công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách đời sống; đẩy mạnh xây dựng kinh tế số, xã hội số của Hà Nội. Sở phải thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; bám sát chỉ thị về bảo vệ chính trị nội bộ mà Thành ủy vừa ban hành.
 
Khẳng định tầm quan trọng của phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đồng chí Vương Đình Huệ chỉ đạo, Sở Thông tin và Truyền thông bám sát nghị quyết của Bộ Chính trị, chiến lược của Chính phủ có liên quan; phấn đấu đạt chỉ tiêu 1.000 dân có 1 doanh nghiệp công nghệ thông tin. Hà Nội phải phối hợp chặt chẽ, thu hút doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào thành phố, đồng thời tạo ra hệ sinh thái để kích thích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp về công nghệ thông tin.
 
Đánh giá cao các cơ quan báo chí Hà Nội, nhất là việc tuân thủ nghiêm tôn chỉ, mục đích trong hoạt động, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố rà soát, làm tốt kế hoạch thực hiện quy hoạch báo chí Hà Nội. Đồng chí đề nghị, các cơ quan báo chí Hà Nội phải đi đầu trong chuyển đổi số. Thành ủy sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và kêu gọi các doanh nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan báo chí Hà Nội thực hiện, cũng như giúp đỡ hoàn thiện hệ thống giao ban trực tuyến của các cơ quan báo chí.
 
Đồng chí Bí thư Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố có kế hoạch phối hợp với các mạng viễn thông để truyền tải thông điệp của thành phố, kết hợp với mạng xã hội Việt Nam, tăng cường công tác thông tin cơ sở theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin song song với duy trì hệ thống loa phường... Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng đề án tái cơ cấu toàn diện. Các cơ quan báo chí lớn của thành phố tăng cường chủ động xây dựng các chuyên đề, tổ chức các sự kiện, vừa phát huy sức ảnh hưởng thông tin, vừa tăng thêm nguồn thu.
 
Về những kiến nghị của các cơ quan báo chí, Bí thư Thành ủy nhất trí với ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng. Đồng chí chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu, xem xét, giải quyết sớm. Ban Tuyên giáo Thành ủy rà soát quy trình giao ban báo chí hằng tuần đang thực hiện, xây dựng cơ chế thông tin kịp thời, hiệu quả. Thành phố cần nghiên cứu xây dựng Trung tâm Báo chí của thành phố theo hình thức xã hội hóa, làm ngôi nhà chung của các cơ quan báo chí tại Hà Nội.
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, mỗi năm lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy sẽ dành ít nhất một lần để gặp gỡ, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết kiến nghị, đề xuất của các cơ quan báo chí thành phố.
 
Yêu cầu báo chí Thủ đô xác định rõ trọng tâm tuyên truyền trong từng giai đoạn, Bí thư Thành ủy chỉ đạo trước mắt từ nay đến cuối năm, báo chí thành phố tập trung tuyên truyền định hướng việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ ưu tiên là phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí cũng yêu cầu báo chí thành phố truyền thông nhiều hơn nữa các hoạt động của Thành ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hà Nội phải làm gương, là bộ mặt của cả nước. Do đó, lĩnh vực nào cũng phải soi vào những tiêu chí đó để xem đã xứng tầm chưa. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí thành phố cũng phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện theo tinh thần đó.
Theo hanoimoi.com.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top