Điều tra đánh giá về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế.
Cuộc Tổng điều tra kinh tế (TĐTKT) lần này có 3 mục đích chính là đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế, kết quả sản xuất, kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu. Rà soát điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực…, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.
Đồng thời, tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2020 theo Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia, các chuyên ngành liên quan đến khối cơ quan hành chính.
Cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, về cơ sở hành chính cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.
* Công tác chuẩn bị cho cuộc TĐTKT năm 2021 đến nay ra sao, thưa ông?
- Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Tiến Dũng: Cục Thống kê đã tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo gồm 14 thành viên và tổ thường trực TĐTKT gồm 18 thành viên. Cục Thống kê cũng đã hướng dẫn cấp huyện, xã thành lập ban chỉ đạo TĐTKT cùng cấp. Nội dung thực hiện TĐTKT trong tháng 2, tháng 3 là cập nhật danh sách nền các đơn vị điều tra; tuyên truyền phục vụ công tác điều tra; thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra; kiểm tra, làm sạch và xác minh các thông tin liên quan…
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021 và quý I-2022, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành xử lý tổng hợp và công bố kết quả điều tra.
Lập danh sách các đơn vị điều tra, trong đó có 4.036 doanh nghiệp, hơn 80 ngàn đơn vị cá thể
* Đâu là điểm khác biệt so với các cuộc tổng điều tra đó?
- TĐTKT lần này có điểm khác biệt là áp dụng triệt để công nghệ thông tin ở tất cả các khâu của tổng điều tra từ cập nhật danh sách nền, thu thập thông tin, phân quyền quản trị hệ thống đến xử lý dữ liệu. Thông tin trên bảng hỏi điện tử (Web-form) được cung cấp tài khoản cho các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ sở hành chính, tôn giáo, hiệp hội…
Toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ trên máy chủ của Tổng cục Thống kê. Thông tin trên phiếu điện tử (CAPI), điều tra viên sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh cập nhật chương trình điều tra do Tổng cục Thống kê cung cấp, thu thập thông tin bằng phiếu điện tử. Điều tra viên hoàn thành và gửi về máy chủ Tổng cục Thống kê ngay sau quá trình điều tra thực tế tại địa bàn. Việc làm này có nhiều thuận lợi là thực hiện nhanh, xử lý tổng hợp và kết quả nhanh, ít tốn kém vì không in phiếu giấy.
* Để cuộc TĐTKT diễn ra thành công cần những yếu tố nào?
- Để cuộc TĐTKT diễn ra thành công, cần có sự phối hợp giữa các ngành và ban chỉ đạo các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở điều tra viên thực hiện tốt công tác điều tra. Việc thực hiện công tác tuyên truyền cần tuân thủ tuyệt đối các quy định của Luật Thống kê năm 2015. Đặc biệt, sự hưởng ứng và ủng hộ từ lãnh đạo các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, các doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo, các đơn vị cá thể… trên địa bàn tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!