Lễ công bố chung giữa 7 trường đại học kỹ thuật của Việt Nam gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; Đại học Xây dựng , Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Thuỷ Lợi và Đại học Mỏ-Địa chất vừa được tổ chức ngày 27/6 tại Đà Nẵng.
Bảy trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam thống nhất phát triển chương trình đào tạo
Thứ ba, 22/09/2020 09:28
Để nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, lần đầu tiên 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo Kỹ sư.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đây là sự kết hợp cần thiết để sinh viên có cách tiếp cận sâu hơn, rộng hơn và toàn diện hơn. Việc thống nhất chuẩn mực cho các chương trình đào tạo Kỹ sư được cho là một tín hiệu đáng mừng với cả người học và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ các chương trình hợp tác trong quá trình đào tạo của nhóm các trường đại học trong khối ngành kỹ thuật.
Đây cũng là bước đi đầu tiên của hướng đi tiên phong nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo Kỹ sư không chỉ có ý nghĩa trong nước, mà còn đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi giá trị văn bằng Kỹ sư truyền thống được chuẩn hoá và nâng cao.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Với trách nhiệm của những trường đại học kỹ thuật trong việc phát triển nguồn nhân lực cho đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số, chúng tôi mong muốn cung cấp chương trình có chất lượng đào tạo tốt và cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực trình độ cao, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và xã hội. Chúng tôi mong rằng bằng Kỹ sư được đào tạo ở Việt Nam có thể đối sánh và được đánh giá cao trong khu vực và trên toàn thế giới”.
Được biết, 7 trường đại học kỹ thuật nêu trên đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất về một số nguyên tắc phát triển các chương trình đào tạo Kỹ sư như số tín chỉ, mô hình đào tạo và tiêu chuẩn các chương trình chung.
Cụ thể, các chương trình đào tạo Kỹ sư sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, đảm bảo tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia. Với khối lượng kiến thức toàn khoá tối thiểu là 180 tín chỉ và chất lượng đào tạo được chuẩn hoá, người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng Kỹ sư và Thạc sĩ.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính: mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp Cử nhân - Kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khoá được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm); và mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình, tương ứng với hai trình độ Cử nhân và Kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.
Cũng theo bản công bố chung, các trường tham gia ký kết sẽ hợp tác đề xuất xây dựng chuẩn chương trình chung phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời xây dựng và công bố lộ trình thực hiện phù hợp với đặc thù của mỗi trường. Chương trình đào tạo mới cũng có thể được áp dụng cho các khoá đã nhập học, tùy điều kiện thực tế từng trường và nguyện vọng của sinh viên.
Trước đó, trong Nghị quyết 50 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Chính phủ đã xác định rõ một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần được tập trung thời gian tới là phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc CMCN 4.0.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ: TT&TT, LĐTB&XH và các bộ, ngành, địa phương rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu.
Đồng thời, đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; Lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực CNTT; Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số;
Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số; Xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.