Các em mong đợi, thương lắm!
Nhận từ tay chị Việt bát cháo đang bốc hơi nghi ngút, em Men, học sinh lớp 4, Điểm trường làng Đê Kôn, Trường Tiểu học Hra số 2 (xã Hra) vừa ăn vừa xuýt xoa: “Cô Việt nấu cháo ngon quá! Cháu ước ngày nào cũng được ăn cháo của cô nấu”. Sáng hôm đó, em Men và 27 học sinh khác từ lớp 1 đến lớp 4 của Điểm trường làng Đê Kôn được ăn cháo do chị Việt nấu. Các em đều vui mừng đón nhận như một món quà người thân trao tặng.
Chị Hà Thị Thanh Việt hạnh phúc nhìn học sinh Điểm trường làng Đê Kôn ăn cháo.
Làng Đê Kôn là nơi sinh sống của khoảng 70 hộ người Ba Na, khá biệt lập bởi đường vào điểm trường nơi đây rất khó khăn. Trước ngày đưa cháo vào trời lại mưa to, đường sụt lún, trơn trượt nên chị Việt phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị và khi trời chưa tỏ mặt người, chị đã xuất phát trên chiếc xe Wave cà tàng. “Đây là lần thứ hai tôi đưa cháo lên điểm trường làng Đê Kôn. Đường có xấu mấy cũng phải cố gắng đi, chứ các em mong đợi, thương lắm!”, chị Việt trải lòng.
Chị cũng kể, có nhiều hôm trời mưa, đường xấu, chị bị ngã xe, tay chân trầy xước, tứa máu, nồi cháo bị đổ, chén bát vỡ hết. Chị bật khóc, nhưng không phải vì nỗi đau da thịt mà vì lỡ hẹn với các em nhỏ. Ngày hôm sau, chị lại nấu một nồi cháo khác mang đến cho các em với lời xin lỗi: "Hôm qua cô sơ ý làm đổ mất cháo. Đừng giận cô nhé!".
Để có nồi cháo thơm ngon, bổ dưỡng, chị Việt đi chợ từ chiều hôm trước chọn mua thực phẩm, chế biến tỉ mỉ, sạch sẽ và ngâm gạo để sáng sớm hôm sau dậy nấu. Chị thường xuyên đổi món, khi thì cháo thịt gà, thịt bò hoặc cháo lươn, và bao giờ cũng có thêm hạt sen, cà rốt, bí đỏ, nấm... Năm học 2020-2021, chị Việt luân phiên tuần một lần nấu cháo cho học sinh ở điểm trường các làng: Kon Tu Dơng, Kret Krot, Kon Hoa, Kon Chrah thuộc Trường Tiểu học Hra số 1. Năm học 2021-2022, chị mở rộng thêm các điểm trường của Trường Tiểu học Hra số 2. Đây đều là những làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của bà con hết sức khó khăn, nhiều em nhỏ buổi sáng đi học cơm chưa đủ no, thậm chí phải nhịn đói.
Làm việc tử tế không chờ đến khi có điều kiện
Thời gian đầu, toàn bộ kinh phí nấu cháo được chị Việt trích từ tiền lương ít ỏi của mình. Về sau, nhiều người thấy việc làm của chị ý nghĩa, nhân văn nên đóng góp tiền, thực phẩm để chung tay san sẻ. Nỗ lực duy trì nồi cháo hơn một năm nay, mang lại niềm vui cho học sinh và phụ huynh vùng khó khăn của địa phương nhưng chị Việt vẫn chưa hài lòng với chính mình, chị muốn mở rộng quy mô, phát cháo cho các em vào tất cả các ngày trong tuần. Ngặt một nỗi, kinh tế gia đình chị cũng không khá giả gì, nỗi lo cơm áo vẫn thường trực hằng ngày.
Thấy chúng tôi băn khoăn về chuyện này, chị Việt bày tỏ nỗi lòng: “Em sinh ra và lớn lên ở xã Hra nên thấu hiểu những thiệt thòi của học sinh nơi đây. Cho các em một bữa ăn ngon, nhiều chất dinh dưỡng là ước mơ của em từ lâu, nhưng đến bây giờ mới thực hiện được. Rất may là chồng em cũng ủng hộ công việc này. Làm việc tử tế thì không cần chờ đến khi có điều kiện, đúng không anh?”.
Chị Việt hỏi chúng tôi nhưng thực ra những việc làm của chị đã là câu trả lời rồi, như giáo viên và người dân địa phương ghi nhận: “Việc làm của chị Việt đã lan tỏa lối sống đẹp, nhân văn trong cộng đồng, giúp mọi người gắn kết và yêu thương nhau hơn”. Cô Lê Thị Kim Quy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hra số 1 cho biết, ngoài nấu cháo cho học sinh, cô Việt còn có nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực hỗ trợ các em phát triển toàn diện. Để giúp học sinh học tập tốt hơn, lĩnh hội được nhiều kiến thức hơn, hằng tuần, cô Việt chở sách lưu động đến từng điểm trường, khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các em.
Anh Yem ở làng Đê Kôn thật thà: “Mình nghe các cháu trong làng về bảo cô Việt nấu cháo cho học sinh của Điểm trường làng Đê Kôn. Cháo cô Việt nấu ngon lắm. Hôm nay, mình lên xin một bát cho con gái 2 tuổi. Bà con trong làng nghèo lắm, lại không biết nấu cháo ngon như vậy. Bát cháo và tấm lòng của cô Việt thật quý giá biết bao”.