Hội thảo là dịp để các nhà quản lý có cái nhìn tổng thể về thực trạng về môi trường vịnh, từ đó các giải pháp tổng thể và đồng bộ để quản lý và bảo tồn hiệu quả các giá trị di sản của Vịnh Hạ Long nhằm phục vụ phát triển du lịch bền vững theo mô hình kinh tế biển xanh.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hội thảo được tổ chức theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành và địa phương của Quảng Ninh và các chuyên gia về môi trường, du lịch của Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Văn phòng UNESCO Hà Nội.
Ông Phạm Đình Huynh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: Các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động du lịch tại Vịnh Hạ Long đã và đang tạo ra những tiêu cực đến công tác bảo tồn giá trị di sản như: gia tăng chất thải (rác thải, nước thải) từ sinh hoạt, khai khoáng, công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch và các dịch vụ phụ trợ; tạo ra sức ép lên môi trường, cảnh quan và các giá trị di sản; nguy cơ cạn kiệt tài nguyên; gây quá tải tại một số điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long, giảm sự trải nghiệm và chất lượng tham quan của du khách; gây quá tải cho cơ sở hạ tầng và tạo ra mâu thuẫn giữa người dân địa phương và du khách; gây ra các vấn đề mất an ninh trật tự xã hội...
Kết quả quan trắc tại 41 điểm nước biển ven bờ vùng Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho thấy, hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng môi trường nước tại khu vực vùng bảo vệ tuyệt đối của khu di sản đang bị ô nhiễm do các hoạt động tham quan, du lịch, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt không qua xử lý, hay các hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than, xăng dầu...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), công tác quản lý môi trường vịnh Hạ Long còn nhiều bất cập, các giải pháp bảo vệ môi trường còn chưa đồng bộ, sự vào cuộc của các bên liên quan đôi khi còn thiếu quyết liệt; Vịnh Hạ Long tiếp giáp nhiều khu đô thị, các nguồn thải từ công nghiệp, nuôi thủy sản nên chịu áp lực về nước thải, rác thải rất lớn từ các nguồn thải này. Bên cạnh đó, hiệu quả xử lý môi trường chưa đạt yêu cầu, bởi thành phố Hạ Long hiện có 5 trạm xử lý nước thải tập trung, công suất xử lý nước thải mới đạt 62%; còn 38% lượng nước thải xả ra môi trường nên tình trạng ô nhiễm nước còn diễn ra.
Đại diện Viện Tài nguyên và Môi trường đề xuất, Quảng Ninh cần có giải pháp về hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý đối với Vịnh Hạ Long. Trong đó, cần sớm xây dựng và triển khai Chương trình quản lý tổng hợp Vịnh Hạ Long cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; có giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và phát huy vai trò của cộng đồng địa phương; giải pháp khoa học và công nghệ, ưu tiên ứng dụng các công nghệ sản xuất thân thiện môi trường; giải pháp về đầu tư và tài chính, ưu tiên đẩy mạnh giải pháp xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng cần nghiên cứu và đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch trên vịnh Hạ Long theo hướng tăng cường hợp tác công - tư (PPP). Đồng thời, tập trung nguồn lực và ưu tiên các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc thù, hấp dẫn đặc biệt, mang thương hiệu của du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, mang hình ảnh du lịch Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến như: “Du lịch Hạ Long - Di sản - Kỳ quan thế giới”. Cùng với đó, cần phát triển loại hình du lịch sinh thái tại khu vực di sản, vì đây là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa có tính giáo dục môi trường và đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với tham gia tích cực của cộng đồng địa phương; cần phải tổ chức không gian một cách hợp lý theo định hướng quy hoạch khai thác các khu chức năng phục vụ du lịch. Như vậy, vùng di sản sẽ được coi là một bảo tàng địa chất lớn bao gồm các công viên nhỏ với các đặc trưng của từng loại hình để tạo ra các vùng chức năng riêng biệt. Cách phân vùng như vậy sẽ giúp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú hơn các tour tham quan và tránh được nhàm chán.
Ông Đoàn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương, đơn vị kinh doanh trên Vịnh Hạ Long, cho rằng du lịch chỉ bền vững khi các hoạt động du lịch thực sự tôn trọng các lợi ích của môi trường, của cộng đồng. Bảo vệ môi trường một cách bền vững là đòi hỏi bức thiết và cần đặt lên hàng đầu, đứng trên lợi ích của doanh nghiệp và doanh nghiệp cần có quỹ bảo vệ môi trường được trích ra từ lợi nhuận để tổ chức, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường một cách thiết thực, cụ thể và có hiệu quả.