CNN dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng những chiến thuật mới ngày càng táo bạo, có nguy cơ gây ra những cuộc xung đột mới với các nước trong khu vực như Malaysia và Indonesia.
Căng thẳng đã gia tăng giữa Trung Quốc và Malaysia trong suốt hơn 1 tháng hồi đầu năm nay, gần đảo Borneo ở Biển Đông sau khi Trung Quốc điều tàu khảo sát, được các tàu hải cảnh hộ tống, bám sát tàu khoan West Capella do Công ty dầu khí Petronas của Malaysia vận hành.
Ảnh minh họa
Theo Tổ chức Minh bạch hàng hải (AMTI), tàu của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khảo sát, thăm dò trong khu vực. Cảnh sát biển Malaysia đã điều tàu tuần tra giám sát tàu của Trung Quốc. Đến ngày 7/5, Mỹ triển khai 2 tàu chiến tiến hành diễn tập tự do hàng hải ở biển Đông và hỗ trợ cho tàu khoan của Malaysia trước sự gây rối của Bắc Kinh.
Bắc Kinh liên tục khẳng định tiến hành “các hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này”, nhưng nhiều năm qua, các tàu của Trung Quốc bị cáo buộc cản trở các nước trong khu vực thăm dò nguồn tài nguyên ở Biển Đông - nơi mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý và phi pháp.
Ông Greg Polling, giám đốc AMTI cho biết, các nước đang lo ngại hơn bao giờ hết khi Trung Quốc tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực thông qua việc tăng cường xây dựng và bồi lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
“Những đảo này là nơi đồn trú của tàu của Trung Quốc, biến Malaysia và Indonesia thành các quốc gia nằm ở chiến tuyến. Vào bất cứ thời điểm nào, hàng chục tàu hải cảnh của Trung Quốc hiện diện quanh quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam – ND) và hàng trăm tàu đánh cá, cũng luôn sẵn sàng lên đường”.
Trung Quốc ngày càng hung hăng
Biển Đông là một trong những khu vực “nóng” nhất trên thế giới với nhiều tranh chấp và lợi ích chiến lược đan xen. Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách của Bắc Kinh là vô lý, trái với luật pháp quốc tế và không được coi là hợp lệ, theo phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay vào năm 2016.
Mặc dù vậy, từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc vẫn thực hiện tham vọng mở rộng lãnh thổ bằng cách xây dựng và bồi lấp các rạn san hô và bãi cạn ở Biển Đông thành những đảo nhân tạo, tăng cường quân sự hóa vùng biển này qua việc xây dựng các sân bay, bến cảng, căn cứ quân sự và trạm radar.
Chuyên gia Greg Polling nhận xét: “Những đảo này được trang bị radar và khả năng giám sát, giúp Trung Quốc quan sát mọi thứ diễn ra ở Biển Đông. Trước đây Trung Quốc có thể không biết quốc gia khác khai thác tài nguyên ở đâu. Nhưng giờ thì họ biết rõ điều đó”.
Theo các chuyên gia, Bắc Kinh đã tạo ra một đội tàu hải cảnh và tàu cá có thể cơ động ở Biển Đông để quấy rối tàu thuyền của các nước khác hoặc đi lại trong những khu vực nhạy cảm về mặt chính trị.
Việc điều tàu thăm dò bám sát tàu khoan của Malaysia không phải là hành vi gây hấn đầu tiên của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2020.
Trước đó, quan hệ giữa nước này và Indonesia đã gặp nhiều sóng gió bởi các diễn biến xung quanh quần đảo Natuna – phía Nam Biển Đông. Tháng 1/2020, Trung Quốc bị tố điều các tàu hải cảnh hộ tống hàng chục tàu cá của nước này đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở vùng biển phía Bắc quần đảo Natuna.
Đáp trả động thái của Bắc Kinh, Indonesia đã triển khai tàu chiến và chiến đấu cơ F-16 tuần tra vùng biển Natuna. Ngay sau đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến thăm căn cứ quân sự trên đảo Natuna Besar - đảo chính trong nhóm đảo thuộc quần đảo Natuna, nhằm khẳng định tuyên bố của Indonesia coi quần đảo Natuna nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Không còn thực hiện chiến lược “vừa đấm vừa xoa”
Theo CNN, Trung Quốc có 1 lịch sử lâu dài “quấy phá” tàu thuyền của các quốc gia khác ở Biển Đông, trong đó có Malaysia và Indonesia.
Trong quá khứ, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã giúp xoa dịu sự giận dữ của các bên liên quan, nhưng giới quan sát cho rằng, hiện giờ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng việc Trung Quốc theo đuổi của “chính sách ngoại giao chiến lang” đã phá vỡ bất cứ mạch nối nào trong quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước trong khu vực.
“Điều thay đổi ở đây là Trung Quốc đã không còn thực hiện chiến lược “vừa đấm vừa xoa”. Các tuyên bố của họ rất hung hăng và không giúp ích gì”, ông Polling nói.
Giới phân tích cho rằng, sự gia tăng hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực, một phần là bởi đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề và sự tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh, khiến vị thế của nước này bị tổn hại. Tại phiên họp Quốc hội vào tháng 5 vừa qua, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng leo thang căng thẳng với Mỹ và châu Âu liên quan đến vai trò của nước này trong ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Trung Quốc bị cáo buộc che đậy thông tin, xử lý chậm khiến dịch bệnh lan rộng và hoành hành trên khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người.
Các chuyên gia nhận định, lo ngại về khả năng suy yếu quyền lực, Trung Quốc đã gia tăng những lời hùng biện và đẩy mạnh chương trình nghị sự quốc gia, trong đó có tham vọng kiểm soát Biển Đông. Ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) nhận định, Trung Quốc muốn dựng nên câu chuyện rằng Mỹ đang rút khỏi vị trí cường quốc toàn cầu, từ đó giúp Bắc Kinh củng cố ảnh hưởng của mình trong khu vực.
“Trung Quốc muốn các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông thấy rằng, sức mạnh quân sự của Mỹ đang suy giảm và cam kết của Washington với khu vực ngày càng lu mờ. Chưa hết, Bắc Kinh còn muốn chứng tỏ những vấn đề kinh tế mà họ đang đối mặt sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của họ ở Biển Đông”.
Cho đến nay, Malaysia và Indonesia đã cố gắng tránh để vấn đề Biển Đông chi phối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hành động khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này, thời kỳ ngoại giao thầm lặng có thể không kéo dài mãi mãi.
“Khi hành vi gây hấn trở nên quá mức, họ sẽ không thể lờ đi. Ở một thời điểm nào đó, Malaysia và Indonesia buộc phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ và quyết liệt như những gì Việt Nam và Philippines đã thực hiện suốt nhiều năm qua”, ông Polling nói.
“Ngày càng có nhiều quốc gia trong khu vực tỏ ra bất bình với cách thức Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để thúc đẩy các yêu sách của họ ở Biển Đông”, chuyên gia Storey cho biết.
Đông Nam Á cần tạo mặt trận thống nhất đối phó Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng, giờ là thời điểm các nước Đông Nam Á phải hợp tác với nhau, cùng đối phó với sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực. Tuy vậy, nhà phân tích Storey lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành và mỗi quốc gia phải đối mặt những cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị của riêng mình, hy vọng đạt được sự đồng thuận của ASEAN trong vấn đề Biển Đông rất khó xảy ra.
“Cho dù Trung Quốc có gia tăng hành động như thế nào, tôi cho rằng các nước thành viên của ASEAN sẽ khó tạo ra một mặt trận thống nhất mạnh mẽ chống lại Trung Quốc. Trong 6 tháng tới, đến cuối năm 2020, chúng ta có thế chứng kiến Trung Quốc nhân đôi hành vi gây hấn ở Biển Đông”.
Malaysia từ lâu đã cố gắng cân bằng lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc bằng việc thực thi chính sách ngoại giao độc lập. Indonesia, năm 2019, đã nổ súng cảnh báo và bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này. Động thái cứng rắn của Tổng thống Widodo hồi tháng 1 vừa qua cho thấy ông sẽ không “ngồi yên” để mặc tàu thuyền của Trung Quốc đi vào quần đảo Natuna.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc không dễ bị răn đe.
“Bắc Kinh tin rằng họ có thể làm suy yếu sự phản đối của Indonesia, để cuối cùng khiến Indonesia phải nhận ra rằng họ có rất ít lựa chọn ngoài việc chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc”, chuyên gia Felix Chan, thuộc Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại cho biết.
Tuy nhiên,kế hoạch của Trung Quốc đối mặt không ít rủi ro. Mỹ đã gia tăng các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông trong 5 tháng đầu năm 2020, đồng thời nỗ lực hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia Đông Nam Á đối phó với hành vi của Trung Quốc. Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã ban giao lô máy bay giám sát không người lái đầu tiên cho Hải quân Malaysia.
Liên quan đến vụ tàu khoan West Capella của Malaysia, Phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy Hạm đội 7 cho biết, Mỹ phải hành động như vậy để hỗ trợ “các đồng minh và đối tác theo đuổi những lợi ích kinh tế hợp pháp của họ”.
Trong bài thuyết trình hồi tháng 5 vừa qua, James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW) nhận xét, trong khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động gây hấn trên Biển Đông thì Mỹ lại được coi là một người bạn tốt.
“Tôi cho rằng Trung Quốc đã thực hiện quá mức hành động bắt nạt và quá hung hăng. Điều đó thúc đẩy việc hình thành các liên minh có chung mối lo về sự xâm lược của Trung Quốc. Trung Quốc càng quyết liệt thì các đối tác trong liên minh sẽ càng tăng cường khả năng đoàn kết để đẩy lùi Bắc Kinh”.
Sự đẩy lùi đó sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá về mặt kinh tế bởi trên thực tế Trung Quốc có quan hệ thương mại chặt chẽ với nhiều nước trong khu vực, chẳng hạn như Philippines, Malaysia và Indonesia và cần những nước này để thực hiện Sáng kiến “Vành đai và Con đường”./.