Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Đánh giá hoạt động Thông tin Điện tử năm 2020 và định hướng năm 2021 được tổ chức tại Tp.HCM vào sáng 27/11.
Cụ thể, trong báo cáo đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 định hướng 2021, được ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT, trình bày tại hội thảo, khi đề cập đến hoạt động của mạng xã hội trong nước, đang nổi lên một số vấn đề, trong đó có tình trạng “báo hoá” mạng xã hội.
Theo đó, số lượng hồ sơ xin phép mạng xã hội năm 2020 tăng cao hơn so với 2019. Trong 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10/2020), số lượng hồ sơ xin phép mạng xã hội là 190 hồ sơ, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Do, đang có sự dịch chuyển mạnh từ “báo hoá” trang tin sang “báo hoá” mạng xã hội. Cụ thể, các hồ sơ xin phép gửi đến Bộ có tên miền “na ná” với tên miền cơ quan báo chí tăng cao, chẳng hạn như kinhtephattrien.vn, kinhdoanhvaxahoi.vn, kinhtehoptac.vn, nguoisaigon.com.vn, chuyendong360.vn, kdpl.vn, thongtinthitruong.net.vn, kinhtenet.com.vn, phapluatvathoidai.cn, doanhnghiepvadoisong.vn, xahoivacongluan.vn, kinhdoanhplus.vn, doichandoanhnhan.vn, newvietnam.vn….
Ông Lê Quang Tự Do báo cáo tại hội thảo.
Trong năm 2020, các đơn vị chức năng của Bộ nhận được đơn thư, thông tin phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng mạng xã hội cử nhân sự đi thu thập thông tin, tài liệu, viết bài để đăng tải mạng xã hội, hoạt động như cơ quan báo chí.
Giao diện các mạng xã hội giống báo điện tử, gồm các chuyên mục, nội dung, bài viết giống với sản phẩm báo chí, nhiều bài thể hiện dưới dạng phóng sự, điều tra….
Đã xuất hiện tình trạng nhà báo thành lập nhiều mạng xã hội cùng với nhiều trang tin điện tử tổng hợp để khi một nội dung được đưa lên thì đồng loạt mạng xã hội, cùng các trang thông tin điện tử tổng hợp do nhà báo này quản trị đều đăng tải nhằm tạo thêm áp lực với đối tượng bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng này, để chấn chỉnh kịp thời, trong những tháng gần đây, cơ quan thanh tra chuyên ngành đã tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà soát, theo dõi các mạng xã hội có dấu hiệu “báo hoá” để có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện đã rà soát, phát hiện 24 trường hợp có dấu hiệu “báo hoá”, trong đó phát hiện và xử phạt 06 trường hợp, với tổng tiền xử phạt là 273 triệu đồng. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này và có biện pháp xử lý quyết liệt hơn, không loại trừ biện pháp rút giấy phép đối với các mạng xã hội thường xuyên vi phạm.
Cũng theo báo cáo, đến ngày 30/10/2020, Bộ TT&TT đã cấp728 giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép. Tuy nhiên, số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chỉ chiếm dưới 10%. Trong khi số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội Facebook là khoảng 65 triệu người và Youtube là 60 triệu người.
Đối với các mạng xã hội xuyên biên giới gồm Facebook, Google và Tiktok. Hiện Bộ TT&TT đều thiết lập đầu mối làm việc với 3 doanh nghiệp này. Trong năm 2020, công tác ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng các mạng xã hội nước ngoài này đã đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay.