Cục trưởng Cục báo chí Bộ Thông tin- Truyền thông, ông Hoàng Hữu Lượng - cho biết, đối với báo in, cả nước năm 2000 mới có hơn 400 cơ quan, nhưng tính đến nay có 745 cơ quan báo chí, với 1003 ấn phẩm, hiện nay rất nhiều cơ quan báo chí có tới 6-7 ấn phẩm.
Về Phát thanh - Truyền hình, hiện nay cả nước có 67 đài phát thanh- truyền hình, trong đó có 2 đài quốc gia, là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Ở 63 tỉnh, thành phố, có 64 đài, vì TP.HCM tổ chức thành 2 đài riêng, là Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và Đài Truyền hình TP.HCM.
Trong hệ thống truyền hình, ngoài hệ thống chính thức, Việt Nam còn có hệ thống chương trình trả tiền. Hiện, cả nước có gần 200 chương trình truyền hình trong nước và chúng ta cũng đã phát 67 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có cả những kênh như BBC, CNN…
Việc lựa chọn truyền hình hiện nay ở Việt Nam tương đối đa dạng. Ngoài phát theo cáp, qua vệ tinh, rồi truyền hình số mặt đất… với trên 300 kênh chương trình truyền hình cả trong và ngoài nước, một số lượng rất lớn. Ngay các nước hay phản đối chúng ta không có tự do về thông tin thì khi được nghe những thông tin này họ cũng rất ngạc nhiên bởi sự cởi mở trong việc thông tin quốc tế của Việt Nam. Phải nói rằng, chỉ ở nước ta có số lượng kênh truyền hình vào các gia đình mới nhiều như thế, vì ở Việt Nam phí xem chương trình truyền hình rất rẻ, chỉ trả 30 - 50 ngàn đồng/tháng đã có thể xem được vài ba chục kênh truyền hình cả trong và ngoài nước. Trong khi đó ở Mỹ, gia đình được xem nhiều nhất cũng chỉ đăng ký 5 kênh.
Về báo điện tử, hiện Việt Nam chính thức có 45 cơ quan báo điện tử, trong đó có 4 cơ quan báo điện tử độc lập (Vietnamnet, VnExpress, VNMedia và báo điện tử Đảng cộng sản), cùng hàng ngàn trang báo điện tử của các cơ quan báo chí in, đài phát thanh- truyền hình. Ranh giới giữa báo điện tử và trang báo điện tử hiện không phân biệt được rõ ràng, vì trên thực tế cũng đã là báo điện tử.
Về Internet, Việt Nam mới hòa mạng quốc tế từ năm 1997, nhưng đến nay số người sử dụng Internet ở nước ta đã chiếm 28% dân số, vượt xa trung bình của thế giới, vượt qua Trung Quốc và trung bình của khu vực châu Á.
Đặc biệt, trên thế giới không nước nào có hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và trạm truyền thanh cấp xã như Việt Nam. Hệ thống đài phát thanh, truyền thanh cấp huyện và cấp xã ở nước ta là công cụ thông tin và điều hành của chính quyền địa phương, hiện đang được chú trọng đầu tư, nâng cấp.
Cạnh tranh quyết liệt, cùng phát triển
Nhìn lại quá trình phát triển của báo chí, cho thấy, mỗi loại hình báo chí mới ra đời lại có ưu thế hơn loại hình cũ. Sau báo in, phát thanh ra đời thì phát thanh cũng có nhiều ưu thế. Và khi truyền hình ra đời, thì truyền hình cũng lại có nhiều ưu thế hơn.
Theo Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng, tất cả các loại hình báo chí, đặc biệt là báo in phải điều chỉnh quyết liệt và cạnh tranh rất gay gắt. Hiện một số điều của Luật Báo chí gần như trở thành lạc hậu. Ví dụ như Luật quy định, cơ quan báo chí là cơ quan thực hiện một loại hình báo chí, thế nhưng phần lớn cơ quan báo in hiện nay đều đã thực hiện 2 loại hình báo chí, đó là báo in và báo điện tử. Ở các đài địa phương đều thực hiện 2 loại hình, phát thanh và truyền hình, nhiều nơi 3 loại hình (báo nói, báo hình và báo điện tử). Ví như Đài Tiếng nói Việt Nam, thực hiện 4 loại hình báo chí: cả phát thanh, truyền hình, cả báo điện tử và báo in từ nhiều năm nay.
Hiện các nước, cũng như ở Việt Nam, việc điều chỉnh đang diễn ra rất mạnh đối với các loại hình báo chí. Quá trình điều chỉnh này đang tác động mạnh trực tiếp tới phóng viên. Hiện một phóng viên, vừa làm tin cho báo in, đồng thời cũng vừa làm tin cho báo điện tử, đòi hỏi phóng viên phải thích ứng nhanh trong quá trình tác nghiệp trong hoạt động đưa thông tin, ví dụ như điện tử đưa tin nhanh, còn báo in đưa tin theo hướng phân tích sâu. Đối với khổ báo hiện nay cũng đang điều chỉnh rất mạnh, từ khổ lớn thành khổ nhỏ và báo in đang đi theo xu hướng chuyên sâu các vấn đề kinh tế - xã hội, chứ không “bán” những tin tức nhanh như trước.
Một vấn đề lưu tâm hiện nay đối với báo in là việc hội tụ các phương tiện tiếp nhận nó. Ví như, điện thoại di động, vừa nghe điện thoại, vừa nghe đài, vừa xem truyền hình, vừa đọc báo mạng, chứ không phải ngồi xem máy tính đặt trên bàn và máy tính xách tay nữa. Việc hội tụ về công nghệ đang giúp cho người tiếp nhận thông tin mọi nơi, mọi lúc và chính báo in ở Việt Nam cũng cần có sự thay đổi nhanh chóng cho phù hợp. Sự hội tụ của công nghệ nó tác động đến các loại hình báo chí, có loại suy giảm, do có sự cạnh tranh quyết liệt, Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng cho rằng, xu hướng cùng phát triển vẫn là mạnh hơn, chứ không phải là loại trừ nhau…