Bàn về khái niệm thông tin cá nhân

Thứ bảy, 26/09/2020 10:46

Bảo vệ thông tin cá nhân (TTCN) hay dữ liệu cá nhân (DLCN) đã và đang trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế. Một số tổ chức quốc tế, quốc gia trên thế giới đã ban hành văn bản pháp luật riêng để điều chỉnh vấn đề này. Nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cũng đang trong tiến trình nghiên cứu xây dựng luật về bảo vệ TTCN, DLCN. Một trong những vấn đề hết sức quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau được đặt ra bàn thảo đó là khái niệm Thông tin cá nhân.

20200807-attt-ta8.jpg

Khái niệm Thông tin cá nhân từ một số góc độ

Ở góc độ ngôn ngữ, trong từ điển Tiếng Việt “thông tin” là “điều được truyền đi cho biết, tin truyền đi” (dt). Trong đó, “thông” là thông suốt (tt), là giao tiếp, bảo cho biết (đt); “tin” là tin tức (dt); “cá nhân” là “một người riêng biệt” (dt). Trong Tiếng Anh, “thông tin” (information) là kiến thức, tri thức; là dữ liệu, chi tiết về một tình huống, cá nhân, sự kiện …; “cá nhân” là liên quan, thuộc về một người cụ thể (personal). Theo đó, hiểu đơn giản và theo nghĩa rộng nhất, Thông tin cá nhân (Personal information) là những điều, tin tức liên quan, thuộc về một con người riêng biệt.
 
Ở các góc độ khác, có rất nhiều khái niệm thông tin, TTCN. Theo nghĩa trừu tượng, mang tính triết học, có thể hiểu TTCN là sự phản ảnh các yếu tố tự nhiên, xã hội liên quan đến một cá nhân thông qua giác quan của con người. Gắn với chủ thể thông tin, TNCN được hiểu là thông tin thuộc sở hữu của “tôi”, về “tôi”, trực tiếp đến “tôi”, được gửi/đăng bởi “tôi”, là trải nghiệm của “tôi” và có liên quan đến “tôi”. Ở góc độ vật chất, kỹ thuật, TTCN là những tin tức (news), dữ kiện (facts), dữ liệu (data) liên quan đến một con người nhất định được thu thập, xử lý, lưu trữ, sử dụng, trao đổi thông qua các vật mang tin. Theo các khái niệm này, TTCN được hiểu là tất cả những gì thuộc về, liên quan đến một con người nhất định, được cấu thành bởi hai yếu tố là nội dung thông tin (tin, dữ kiện, dữ liệu) và hình thức thông tin hay vật mang tin (văn bản, tài liệu, bản vẽ, thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu...).
 
Khái niệm Thông tin cá nhân trong khoa học pháp lý
 
Thuật ngữ TTCN, DLCN được ghi nhận và trở nên phổ biến trong khoa học pháp lý từ vài thập niên gần đây, khi được tiếp cận trên quan điểm là một vấn đề gắn liền với bảo vệ quyền con người (human rights), cụ thể hơn là quyền riêng tư (rights to privacy). Theo quan điểm này, quyền riêng tư luôn gắn liền với chủ thể quyền là cá nhân, trong khi đó cá nhân lại là chủ thể của thông tin thuộc về, liên quan đến họ nên để bảo vệ quyền riêng tư thì phải bảo vệ TTCN. Tức là, khái niệm TTCN đã được thu hẹp hơn một mức là những thông tin của cá nhân liên quan đến quyền con người, cụ thể hơn là sự riêng tư của cá nhân.
 
Các nghiên cứu đã chỉ ra, dù quyền riêng tư đã có từ rất lâu nhưng phải đến cuối thế kỷ 19, khi trình độ khoa học, công nghệ phát triển đến mức độ nhất định làm cho thông tin trở thành “tài sản”, truyền thông trở thành “quyền lực thứ tư” và đặt ra những nguy cơ, thách thức mới đối với việc bảo vệ quyền riêng tư thì sự quan tâm đến quyền riêng tư đã tăng lên, vấn đề bảo vệ TTCN, DLCN mới hiện hữu, trở thành vấn đề quốc tế, được điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý.
 
Hướng dẫn bảo vệ quyền riêng tư và dịch chuyển dữ liệu cá nhân giữa các quốc gia (1980) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hiệp ước bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan đến xử lý tự động dữ liệu cá nhân (1981) của Hội đồng châu Âu là những văn bản đầu tiên đưa ra khái niệm “Dữ liệu cá nhân” (personal data) và gắn nó với bảo vệ quyền riêng tư. Với cách tiếp cận đó, đến nay, nhiều văn bản pháp lý của các tổ chức quốc tế, các quốc gia đã đưa ra một số thuật ngữ tương đồng. Phổ biến nhất, thuật ngữ DLCN, Dữ liệu nhận dạng cá nhân (personally identifiable data – PID) được sử dụng phổ biến ở châu Âu. Thuật ngữ Thông tin nhận dạng cá nhân (personally identifiable information - PII) được sử dụng phổ biến ở Mỹ. Thuật ngữ TTCN được sử dụng ở Úc, Nhật Bản, Canada và một số nước châu Á… Tuy nhiên, khái niệm giữa các văn bản vẫn còn sự khác biệt nhất định. Hướng dẫn bảo vệ quyền riêng tư và dịch chuyển dữ liệu cá nhân giữa các quốc gia (1980); Hiệp ước bảo vệ cá nhân liên quan đến xử lý tự động dữ liệu cá nhân (1981); Chỉ thị bảo vệ cá nhân liên quan đến xử lý và dịch chuyển tự do dữ liệu cá nhân của Nghị viên châu Âu (1995) đưa ra 3 khái niệm khác nhau về DLCN. Hay khái niệm TTCN trong Đạo luật về Quyền riêng tư của Úc năm 1998 và trong Khuôn khổ chung về quyền riêng tư (2015) của APEC cũng không giống nhau.
 
Ví dụ: Đối với số nhận dạng trực tuyến của cá nhân (như địa chỉ IP, MAC, cookie…), nếu theo quy định của Mỹ thì không phải là PII nhưng theo quy định của châu Âu và Úc thì thuộc DLCN. Tuy vậy, tất cả các thuật ngữ, khái niệm trên đều có điểm chung là thu hẹp phạm vi khái niệm TTCN truyền thống theo một số đặc điểm chung là:
 
Tính cá biệt (nhân thân) - hiện thực (pháp lý) của chủ thể thông tin. Tức là, nội dung thông tin đó phải liên quan, thuộc về một cá nhân nhất định (không phải là thông tin của người khác) và cá nhân đó phải là một con người tự nhiên đang sống. Tiêu chí này nhằm loại trừ những thông tin không phải của cá nhân (như thông tin của tổ chức), thông tin của người đã chết, của người máy, người nhân bản… hoặc những thông tin cá nhân nhưng không phải của cá nhân đó. Tính riêng tư quyết định nhu cầu bảo vệ - gắn với quyền riêng tư. Tính hiện thực nhằm xác định được chủ thể trong một quan hệ pháp luật về bảo vệ TTCN nhất định, vì nếu không xác định được chủ thể trong quan hệ pháp lý thì không thể bảo vệ.
 
Tính xác thực – liên kết (khả truy) của nội dung thông tin. Tức là, nội dung thông tin phải có thực (kể cả tin thật, tin giả) và con người có thể nhận biết được (trực tiếp hoặc gián tiếp). Đồng thời và quan trọng hơn, từ một hoặc liên kết các thông tin đó thì con người (chủ yếu là để thiết chế nhà nước) có thể xác định, nhận dạng được đó là cá nhân cụ thể nào trong xã hội (nhằm quản lý, theo dõi được danh tính cá nhân). Tiêu chí này loại trừ những thông tin mà pháp luật không cần hoặc không thể bảo vệ như: thông tin không tồn tại, không thể nhận biết, thông tin ẩn danh hay những thông tin quá phổ biến, phổ thông của cá nhân mà không thể chỉ dựa vào nó để xác định, nhận dạng được cá nhân đó là ai.
 
Tính đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện của TTCN. Tức là, TTCN phát sinh từ nhiều mối quan hệ của cá nhân và thuộc các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội như các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính, kinh tế, giáo dục, y tế, CNTT, viễn thông, an ninh… Đồng thời, TTCN có thể được chứa đựng trong nhiều loại hình của vật mang tin như trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác theo quy định của pháp luật.
 
Nhưng 2 tiêu chí trên là chưa đủ, chưa thể xác định chính xác thông tin nào là TTCN được pháp luật bảo vệ. Bởi, các khái niệm mang tính khái quát rất cao, trong khi thông tin liên quan đến cá nhân trên thực tế vô cùng đa dạng, phong phú và tuỳ thuộc vào tình huống, bối cảnh mà từ thông tin đó có thể hoặc không thể xác định được cá nhân đó là ai trong xã hội. Ví dụ: Đối với thông tin “họ và tên” thì thường không đủ để xác định được người có tên đó là ai nhưng nếu kết hợp với các thông tin khác như thời gian, địa điểm mua sắm hoặc là tên “độc nhất vô nhị” thì có thể nhận diện, xác định được cá nhân đó là ai trong xã hội. Vì vậy, các văn bản pháp lý còn đưa ra thêm một số chỉ dẫn cụ thể hơn.
 
Ví dụ: Chỉ thị bảo vệ cá nhân liên quan đến xử lý và dịch chuyển tự do DLCN (1995) đưa ra những đặc trưng về bản sắc vật lý, sinh lý, tinh thần, kinh tế, văn hóa hoặc xã hội của cá nhân. Hay Hiệp ước bảo vệ cá nhân liên quan đến xử lý tự động DLCN (1981) liệt kê các thông tin cá nhân gồm tên, số nhận dạng, dữ liệu vị trí, số nhận dạng trực tuyến hoặc một hoặc nhiều yếu tố cụ thể về vật lý, sinh lý, di truyền, tinh thần, kinh tế, văn hóa hoặc bản sắc xã hội của người tự nhiên đó. Cụ thể hơn, ở Nhật Bản đưa ra 10 nhóm với rất nhiều loại TTCN trong từng nhóm, gồm: (1) Mô tả về con người (Tên, tuổi, nơi sinh, giới tính, cân nặng, màu mắt, dấu vân tay…); (2) Số nhận dạng (Số y tế, số bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng…; (3) Dân tộc (quốc tịch, tộc người, màu da…); (4) Sức khỏe (đặc điểm thể chất, tinh thần, các bệnh lý, nhóm máu, mã AND….); (5) Tài chính (thu nhập, hợp đồng, thói quen mua bán…); (6) Việc làm (hồ sơ việc làm, trụ sở công ty, chức vụ…); (7) Tín dụng (sổ tiết kiệm, hồ sơ vay, …); (8) Hình sự (tiền án, tiền sự…); (9) Đời sống (tính cách, địa vị xã hội, tình trạng hôn nhân, tôn giáo…); (10) Giáo dục (trường học, bằng cấp…).
 
Khái niệm Thông tin cá nhân trong pháp luật Việt Nam
 
Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước” là văn bản pháp luật đầu tiên đưa ra khái niệm TTCN mang tính khái quát. Khoản 5 Điều 3 Nghị định này quy định: Thông tin cá nhân là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác. Có thể thấy, dù chưa chính xác, đầy đủ nhưng khái niệm TTCN trên đã có cách tiếp cận đúng và dần tiệm cận với các khái niệm được ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế.
 
Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa thống nhất về thuật ngữ sử dụng cũng như chưa đưa ra được khái niệm TTCN một cách đầy đủ, chính xác. Vẫn còn một số thuật ngữ như: thông tin số, thông tin riêng, TTCN trên môi trường mạng (Luật CNTT 2006); thông tin về bí mật đời tư, dữ liệu (Luật giao dịch điện tử 2005); thông tin riêng (Luật viễn thông 2009); TTCN, dữ liệu về TTCN (Luật ATTTM 2015).… Trong các thuật ngữ pháp lý trên, chỉ có một số được định nghĩa, giải thích trong các văn bản pháp luật; số còn lại chỉ được sử dụng mà không giải thích, định nghĩa. Ngay cả khái niệm TTCN được ghi nhận trong Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 – được coi là luật chuyên ngành thì cũng chỉ quy định hết sức chung chung, mang tính khái quát, thiếu tính đầy đủ, cụ thể. Khoản 15, Điều 3 Luật này quy định TTCN là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể. Với quy định này, rất khó có thể xác định thông tin nào của cá nhân là TTCN được pháp luật bảo vệ.
 
Kết luận và kiến nghị
 
Từ những nghiên cứu trên, chúng tôi đề nghị sử dụng thống nhất một thuật ngữ pháp lý Thông tin cá nhân hoặc Dữ liệu cá nhân – là những điều, tin tức có nội dung liên quan, thuộc về một con người tự nhiên và được ghi nhận, thể hiện trong các vật mang tin do cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân tạo ra mà từ việc sử dụng một hoặc kết hợp nhiều điều, tin tức đó, có thể nhận diện, xác định được con người đó trong xã hội. TTCN bao gồm nhưng không chỉ giới hạn những nhóm thông tin sau đây:
 
- Nhóm thông tin riêng: Thông tin mô tả tự nhiên (sinh trắc học; dấu vân tay, di truyền…); Thông tin nhận dạng (Số y tế; Số bảo hiểm xã hội; Số an sinh xã hội; Thông tin về dân tộc/chủng tộc (Chủng tộc; Màu da…); Thông tin về sức khỏe (Điều trị y tế/Khám sức khỏe; Hồ sơ bệnh án; Tình trạng khuyết tật…); Thông tin về tài chính (Thu nhập/Hồ sơ thu nhập; Hồ sơ nợ…); Thông tin tín dụng (Hồ sơ tín dụng; Khả năng tín dụng…); Thông tin về việc làm (Nghề/công việc nhạy cảm hay bí mật; Đánh giá năng lực; Khen thưởng/kỷ luật…); Thông tin hình sự (Lý lịch tư pháp; Hồ sơ tội phạm; Tiền án, tiền sự…); Thông tin về giáo dục (Lịch sử giáo dục; Hồ sơ học bạ...).
- Nhóm thông tin về đời sống riêng tư: Thông tin về nguồn gốc dân tộc, nguồn gốc xã hội; Thông tin về sức khỏe; Thông tin về đời sống, tư tưởng, tinh thần (Tính cách cá nhân, Danh tiếng chung, Đặc điểm cá nhân, Địa vị xã hội, Tình trạng hôn nhân, Khuynh hướng tình dục (như quan hệ đồng tính/song tính), Niềm tin lương tâm, Tôn giáo, Tư tưởng tôn giáo, Tín ngưỡng, Tư tưởng chính trị, Tư duy chính trị, Niềm tin chính trị, Quan điểm chính trị, Thành viên công đoàn, Quan điểm cá nhân, Sở thích cá nhân, Quan điểm hoặc ý kiến của người khác về cá nhân...).
 
- Nhóm thông tin về gia đình: Thông tin về đặc tính sức khỏe (Lịch sử sức khỏe gia đình, Thông tin bệnh di truyền); Thông tin về bí mật gia đình (Con riêng mà chỉ người trong gia đình mới biết, Con nuôi chỉ bố mẹ mới biết, Danh tính của bố đứa trẻ chỉ người vợ biết…); Thông tin về dòng họ, gia tộc (Nguồn gốc, lịch sử, gia phả; Thông tin liên quan đến chính trị, tôn giáo của dòng họ…).
TS. Lê Minh Hồng, TS. Đỗ Tiến Dũng (Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top