Đại biểu Đào Văn Hân trình bày về chủ đề Xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh: Lâm Đăng Hải.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV năm 2021, ngày 25/11, nhiều nhà khoa học, trí thức trẻ đã có đề xuất, sáng kiến chuyển đổi số đối trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, phát triển đô thị, y tế - giáo dục... và trong việc quản trị, sản xuất, kinh doanh.
Nghiên cứu sinh Trần Tuyên (Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM) đánh giá: "Ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá du lịch nông thôn sẽ là giải pháp cấp thiết để kích thích du lịch nông thôn phát triển tương xứng với tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội và đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số ngành du lịch cũng như chuyển đổi số quốc gia".
Anh Tuyên cho rằng, hiện du lịch nông thôn phát triển còn nhỏ hẹp, manh mún vì chưa thể tiếp cận hiệu quả du khách trong và ngoài nước. Với công nghệ thực tế ảo, dữ liệu lớn và internet kết nối vạn vật có thể sử dụng vào hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn góp phần chuyển tải giá trị nhân văn và tăng cường tính trải nghiệm và cảm xúc cho người dùng.
Anh Tuyên đề xuất, số hóa các tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa tại địa phương bằng công nghệ thực tế ảo; sử dụng kết hợp không gian thực tế ảo cùng âm thanh chân thực, thuyết minh. Đồng thời, với cách này, có thể chuyển tải giá trị nhân văn của tài nguyên du lịch đến khách du lịch ảo thông qua các câu chuyện mang đậm tính bản địa.
Về lĩnh vực môi trường, TS Lê Văn Thảo (Học viện Kỹ thuật Quân sự) chia sẻ về công nghệ in 3D giải pháp cho thiết kế sáng tạo, sản xuất bền vững và giảm thiểu tác động môi trường.
Theo anh Thảo, hiện công nghệ in 3D đã phố biến trên thị trường Việt Nam, nhưng chủ yếu là công nghệ in 3D vật liệu phi kim loại, hầu như chưa có thiết bị in 3D kim loại được đầu tư. Bước đầu đã có những nghiên cứu cơ bản về công nghệ in 3D kim loại, ứng dụng vào lĩnh vực y tế, thiết kế tối ưu hóa mô hình sản phẩm.
Anh Thảo kiến nghị cần đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng công nghệ in 3D trong nước; cần xây dựng mạng lưới các nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ in 3D. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần có những chương trình, chính sách cụ thể, ưu tiên và khuyến khích nghiên cứu về công nghệ in 3D.
Khắc phục tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu
Còn anh Đào Văn Hân (khoa Chính trị - Hành chính, ĐHQG TPHCM) cho rằng, cuộc cách mạng lần thứ tư là "thông minh hóa", là "máy thay lao động trí óc". Chuyển đổi số là cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ số cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số.
Đổi mới sáng tạo bộ máy hành chính với dữ liệu, kết nối, công nghệ số, làm cơ sở cho kinh doanh số và công dân số.
Theo anh Hân, xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay có nhiều cơ hội, khi đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp trong việc sử dụng công nghệ số.
Tuy nhiên, vẫn có không ít thách thức như thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp.
Thực trạng cát cứ thông tin, dữ liệu còn phổ biến dẫn đến trùng lặp, không thống nhất. Sự gia tăng rủi ro về an ninh mạng, quyền riêng tư và khả năng phục hồi..
Anh Hân đề xuất việc sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý hình thành nên hệ sinh thái kết hợp giữa luật và chính sách; gắn kết giữa công nghệ thông tin và các hoạt động số hóa; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết, nhất là tài chính xã hội hóa.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN và các đơn vị liên quan.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần IV, năm 2021 có các đơn vị tài trợ: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank); các đơn vị đồng hành là Công ty Cổ phần Smart Hub; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).