Bàn thảo nhiều giải pháp thúc đẩy tinh thần ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam

Thứ hai, 21/11/2022 21:04

Nhiều khó khăn trong cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp đã được thảo luận và đề xuất giải pháp.

 Ngày 01/10/2022, Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam”. 

20221215-pg22.jpg

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp Quốc gia 2022 nhằm tạo ra không gian trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương, địa phương và thanh niên về các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên thuận lợi trong các hoạt động ĐMST và khởi nghiệp. Đây cũng là hoạt động nhằm góp phần cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp Việt Nam từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. 

Ngoài ra, Hội thảo hướng tới việc lắng nghe ý kiến các đại biểu về các đề xuất sáng kiến, giải pháp, đóng góp trực tiếp cho mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp  tại Việt Nam, cũng như, đề xuất các chính sách tạo động lực để thúc đẩy đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch, phát triển bền vững, thịnh vượng vào năm 2045.

Đánh giá những khó khăn về cơ chế, chính sách cho ĐMST và khởi nghiệp

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia, Bộ KH&ĐT đánh giá: Nhiều chủ đề đã được đưa ra thảo luận, tập trung vào cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho ĐMST và khởi nghiệp, cụ thể như cơ chế đầu tư ra nước ngoài của các DN ĐMST và khởi nghiệp, các quỹ đầu tư.

Ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý của quỹ đầu tư Thinkzone Ventures, đã nêu ra những điểm “nghẽn cổ chai” cần được khởi thông và thúc đẩy để hỗ trợ các DN ĐMST và khởi nghiệp. Ông Hiếu cho biết về nguồn vốn đầu tư vào các startup ĐMST, thực tiễn tại Việt Nam cho thấy nguồn vốn đầu tư tư nhân vào ĐMST chủ yếu đến từ nhà đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài, thứ hai là nguồn vốn đầu tư đến từ nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa, và thứ ba là nguồn vốn vay. 

Theo báo cáo về ĐMST năm 2021, tổng vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp ĐMST Việt Nam là 1,4 tỷ USD. Theo ước tính sơ bộ của Thinkzone, có đến 90% nguồn vốn này đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư thực hiện rót vốn vào các startup ĐMST Việt Nam đang gặp một số vướng mắc về vấn đề thủ tục, gây rào cản khi các doanh nghiệp (DN) ĐMST thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, một DN ĐMST khi mới đi vào hoạt động, thường các sáng lập viên phải đảm nhận nhiệm nhiều công việc một lúc, việc thực hiện thêm các thủ tục đầu tư khiến họ mất nhiều nguồn lực, thời gian, thay vì tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, công tác phối hợp và quản lý với các cơ quan nhà nước khác liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài cũng gặp một số khó khăn, do các quy định liên quan đến ĐMST khi thực hiện tái cơ cấu, chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể. 

Vì tính quan trọng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài với các DN ĐMST Việt Nam, nên việc khơi thông các nguồn vốn này, trước mắt là khơi thông các thủ tục liên quan đến việc huy động nguồn vốn là một nội dung quan trọng để thúc đẩy hoạt động huy động nguồn vốn vào DN ĐMST.

Đại diện của Thinkzone đề xuất Bộ KH&ĐT đưa ra hướng dẫn, tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục, có thể là tăng cường hướng dẫn với các sáng lập viên, công ty khởi nghiệp, thứ 2 là đưa ra khung pháp lý riêng biệt với hoạt động tái cơ cấu để phục vụ đầu tư của DN ĐMST; đề xuất Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp để thông suốt các thủ tục; cũng như tạo cơ chế "sandbox" thử nghiệm để phục vụ cho những tính đặc thù riêng biệt của các DN ĐMST...

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ban hành ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cũng có một số vướng mắc, tồn tại như về quy định giới hạn số lượng nhà đầu tư hay giới hạn về hoạt động được thực hiện đầu tư. Theo đó, quỹ đầu tư chỉ được phép có tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập, một số quỹ đầu tư có đặc thù được góp vốn bởi các cá nhân hoặc nhà đầu tư lẻ, quy định này sẽ sẽ hạn chế tổng số lượng nhà đầu tư và số vốn góp vào quỹ.

Các đại biểu cũng kiến nghị cần mở rộng nội dung cho vay do đây là một bước thông thường trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp ĐMST (khoản vay chuyển đổi), cũng như tối ưu nguồn vốn nhàn rỗi chưa đầu tư của quỹ.

Chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh đầu tư ĐMST của thế giới

Tham gia phần đối thoại, các đại biểu cũng chia sẻ và đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam xem xét, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới về việc đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động ĐMST và khởi nghiệp. Ví dụ điển hình là Singapore với nhiều năm liền đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với vị trí thứ 8 toàn cầu về chỉ số ĐMST và là quốc gia dẫn đầu khu vực về hoạt động đầu tư mạo hiểm. Chính phủ Singapore đã đóng một vai trò tích cực trong kết quả này thông qua việc trực tiếp tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc đóng vai trò là nhà cùng đầu tư (matching fund) thông qua các tổ chức khu vực công. 

 

Singapore đang tiếp tục thúc đẩy đầu tư quốc tế và khuyến khích các nhà quản lý quỹ mở hoạt động tại Singapore. Ngoài các quỹ đầu tư mạo hiểm, Singapore cũng là nơi có mạng lưới và nền tảng đầu tư thiên thần đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của các DN và nền kinh tế. 

Một ví dụ khác là UAE trong thời gian gần đây có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nền kinh tế ĐMST. Tiểu vương quốc Dubai đã khởi động “Chiến lược kinh tế ĐMST” với mục tiêu tăng gấp đôi mức đóng góp của các ngành công nghiệp ĐMST vào GDP, từ 2,6% năm 2020 lên 5% vào năm 2025. Dubai sẽ cung cấp các gói giải pháp linh hoạt, đi kèm các ưu đãi vào các trung tâm ĐMST tiên tiến, các DN ĐMST và khởi nghiệp để duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế dựa trên ĐMST và khoa học công nghệ.

Đại diện các quỹ đầu tư, DN, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đề xuất Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc thành lập các trung tâm ĐMST và khởi nghiệp có nguồn vốn tư nhân và nhận các chính sách ưu đãi như quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.

Theo bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, cơ quan quản lý đang thảo luận và sẽ sớm có những sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định số 38/2018/NĐ-CP.

Hội thảo đã có sự tham gia đối thoại của các đại diện đến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Phát triển DN, Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT cho thấy sự quan tâm của các bên liên quan cho hoạt động thúc đẩy ĐMST nói chung và thanh niên khởi nghiệp nói riêng. 

Ông Nguyễn Hải Minh, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Trung ương Đoàn cho biết: “Hội thảo năm nay thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội và sự tham gia trực tiếp của hơn 150 đại biểu trong đó bao gồm 10 đại diện cơ quan nhà nước tham gia đối thoại, 100 đại biểu là thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu và đại diện các DN lớn, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế”./.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top