Bản lĩnh trong xuất bản và tiếp thu sách lịch sử

Thứ năm, 14/10/2021 13:48

Sách lịch sử đang là mảng sách có doanh số tiêu thụ hàng đầu, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử dân tộc và nhân loại của độc giả. Tuy nhiên, vẫn có một số cuốn sách sai phạm, có quan điểm phi chính thống. Cần bản lĩnh trong khâu xuất bản và tiếp thu sách lịch sử để không "lọt" những cuốn sách có ý đồ "lật sử"; sai sót nội dung, mốc sự kiện lịch sử, quan điểm chính trị...

Sách lịch sử “được mùa”

Theo cách phân chia tính chất thể loại sách của ngành xuất bản thì có hai dạng là hư cấu (fiction) và phi hư cấu (non-fiction). Vẫn có những tác phẩm hư cấu lịch sử, đặc biệt trong thể loại tiểu thuyết, nhưng nhắc đến sách lịch sử, độc giả sẽ nghĩ đến loại sách phi hư cấu, gồm các tác phẩm, công trình nghiên cứu, bàn luận về lịch sử và cả lịch sử các vấn đề (giáo dục, nghệ thuật, hành chính-địa bạ...). Những năm trở lại đây, “làn sóng” các đơn vị đua nhau làm sách lịch sử tạo nên hiện tượng hiếm thấy trong ngành xuất bản.

20211014-l0,jpg_1.jpg

Một số cuốn sách lịch sử được xuất bản thời gian gần đây.

Có đơn vị làm sách chủ trương tái bản các sách lịch sử nổi tiếng, như: “Quang Trung” (Hoa Bằng); “Nguyễn Tri Phương” (Phan Trần Chúc-Lê Quế); “Việt sử xứ Đàng Trong” (Phan Khoang); “Nhà Tây Sơn” (Quách Tấn-Quách Giao); “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20” (Lê Thành Khôi)... Một xu hướng khác là tổ chức dịch thuật nhiều công trình nghiên cứu của các sử gia nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam, như: “Vùng đất Nam Bộ dưới triều vua Minh Mạng” (Choi Byung Wook); “Đề Thám” (Claude Gendre)... Đồng thời, dịch nhật ký, hồi ức của các nhân chứng lịch sử, như: “Lý lịch sự vụ” (Nguyễn Đức Xuyên); “Vũ man tạp lục thư” (Nguyễn Tấn)... Nhiều sách lịch sử được biên soạn mới, có chất lượng, giành nhiều giải thưởng uy tín, như: “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, 1859-1954” (Nguyễn Đình Tư); “Vùng đất Nam Bộ-Quá trình hình thành và phát triển” (GS Phan Huy Lê tổng chủ biên)...

Đáng chú ý, nhiều cuốn sách lịch sử trở thành best-seller (sách bán chạy) như: “Sapiens: Lược sử loài người” (Yuval Noah Harari); “Lịch sử Do Thái” (Paul Johnson); “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn” (George Dutton); “Mật bổn: Những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại” (Trần Hoàng Vũ)... Bà Nguyễn Vân Hà-người chuyên buôn bán sách trực tuyến, cho biết: “Trước đây, sách lịch sử xuất phát từ công trình nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước. Tuy nhiên, gần đây các đơn vị làm sách đã chú trọng khai thác thêm nhiều đầu sách lịch sử nước ngoài, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu công bố tác phẩm. Bản thảo chất lượng, được biên tập kỹ lưỡng, trình bày đẹp, cộng với quảng bá rầm rộ nên sách lịch sử “lên ngôi” cũng là dễ hiểu”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, những đơn vị làm sách lịch sử nghiêm túc đều thành lập hội đồng xuất bản gồm các chuyên gia đầu ngành về lịch sử, cho ý kiến về từng cuốn sách. Sách lịch sử hiện nay đã đáp ứng đúng nhu cầu độc giả, nhất là ở độc giả trẻ, đó là: Nhu cầu tìm hiểu lịch sử theo nhiều góc độ, đa chiều; nhiều tác phẩm lịch sử vốn viết bằng ngoại ngữ, Hán Nôm nay được dịch ra chữ Quốc ngữ hoặc xuất bản đã lâu nay mới được tái bản nên độc giả lần đầu tiếp cận tạo ra hứng thú tìm đọc...

Tỉnh táo khi làm sách lịch sử

Trong 5 năm qua, số lượng sách sai phạm hằng năm dao động từ 120 đến 180 cuốn, trong đó sai sót liên quan tới nội dung thường chiếm 30-40% và nội dung liên quan đến quan điểm chính trị, lịch sử vẫn là chủ yếu. Với các cuốn sách sai phạm, các cơ quan chức năng sẽ buộc nhà xuất bản (NXB) loại bỏ hoặc sửa chữa mới cho phép tái bản.

Vấn đề chúng tôi muốn đề cập và cũng là lưu ý với độc giả là nhiều cuốn sách lịch sử không hề sai phạm, được tái bản nhiều lần nhưng nội dung cuốn sách cần được nhìn lại thấu đáo. Chẳng hạn, “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn” của sử gia người Mỹ George Dutton, xuất phát từ luận án tiến sĩ của tác giả. Phải thừa nhận, khâm phục công lao của tác giả bởi rất ít cuốn sách nghiên cứu kỹ lưỡng với nguồn tư liệu đồ sộ về nhà Tây Sơn. Nhưng thật tiếc, từ kết quả nghiên cứu, tác giả kết luận rất khác với quan điểm lịch sử chính thống, có cái nhìn mang tính áp đặt, khi phán xét người này, người kia mà không dựa trên sự thật khách quan. Bạn đọc cần tỉnh táo, không nên xem đó là sự thật lịch sử khi tác giả của luận án này muốn làm thay đổi bản chất tốt đẹp, cách mạng của nhà Tây Sơn. Đó chỉ là một luận án tiến sĩ, còn biết bao luận án, luận văn, công trình từ khắp thế giới nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, nếu chúng ta thiếu bản lĩnh, không có bề dày kiến thức lịch sử; không kiểm chứng thông tin từ những cơ quan có chuyên môn, có trách nhiệm trong lĩnh vực này, rất có thể chúng ta sẽ bị cuốn theo ý đồ của một số cá nhân, tổ chức, từ đó hiểu sai vấn đề, nhân vật, sự kiện... lịch sử.

Các NXB hiện nay rất cẩn trọng, trách nhiệm khi xuất bản sách lịch sử, bởi thiệt hại về kinh tế và uy tín thương hiệu NXB nếu sách sai phạm là rất lớn. Trò chuyện với lãnh đạo nhiều NXB, chúng tôi được biết, với sách lịch sử, nhất là sách liên kết, NXB thường xuyên trao đổi với đối tác về nội dung bản thảo còn băn khoăn; giữ sự chủ động khi đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên bản lĩnh chính trị, sự tỉnh táo, học thuật để tránh những sai sót, vi phạm.

Trên hết, tự thân mỗi độc giả khi tiếp thu các kiến thức, kiến giải lịch sử mới phải dựa trên tinh thần phản biện; tránh bị tác động bởi những khuynh hướng xét lại, “lật sử”, nhất là với ý đồ cố tình muốn “viết lại” lịch sử.

banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top