Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn gửi 9 Bộ: TT&TT, Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính về việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
Công văn nêu rõ, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 18/5/2016, Chính phủ còn chưa ban hành 3 Nghị định quy định chi tiết đối với 3 luật đã có hiệu lực. Từ ngày 1/7/2016, 11 luật và pháp lệnh sẽ có hiệu lực nhưng còn 32 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh này chưa được ban hành để bảo đảm nguyên tắc có hiệu lực cùng với hiệu lực của luật, pháp lệnh. Việc xây dựng trình ký ban hành văn bản đang rất chậm, số văn bản chưa được ban hành đúng thời gian còn nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thi hành các quy định của luật, pháp lệnh đã có hiệu lực hoặc sắp có hiệu lực.
Để khẩn trương khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ được giao chủ trì phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; có kế hoạch cụ thể, phân công và xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong soạn thảo, trình văn bản; đồng thời đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm minh, kịp thời đối với đơn vị, cá nhân của Bộ để diễn ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, chậm nhất đến ngày 30/5/2016, Bộ trưởng các Bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản thuộc trách nhiệm của từng Bộ để trước ngày 1/7/2016, 35 văn bản quy định chi tiết thi hành 14 luật phải được ban hành hết. Sau thời hạn này, Bộ trưởng nào chưa ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản đã được phân công sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phải giải trình trước công luận.
Trong danh mục các văn bản quy định chi tiết thi hành 14 luật vừa được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ phải ban hành trước ngày 1/7/2016, có 7 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thông tin mạng.
Luật An toàn thông tin mạng được Bộ TT&TT khởi động xây dựng từ năm 2011. Sau gần 4 năm xây dựng và hoàn thiện, ngày 19/11/2015, trong phiên họp toàn thể tại hội trường của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 424/425 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Cũng trong ngày 19/11/2015, Quốc hội đã chính thức ban hành Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13.
Để bảo đảm triển khai hiệu quả các quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, đầu tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phân công 3 Bộ: TT&TT, Quốc phòng, Công an chủ trì soạn thảo 7 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật này.
Trong đó, Bộ Quốc phòng được giao chủ trì soạn thảo 2 văn bản: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành Luật An toàn thông tin mạng về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự (Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép kèm theo Nghị định); Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.
Bộ Công an chủ trì soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm và các biện pháp ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố.
Còn với Bộ TT&TT, cơ quan này được phân công chủ trì soạn thảo 4 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thông tin mạng gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Phương án ứng cứu thảm họa thông tin quan trọng quốc gia; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Trong kết luận hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quý I và tháng 4/2016 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ đôn đốc các đơn vị liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật An toàn thông tin mạng trên cơ sở các tiêu chí mà quốc tế đang áp dụng, đặc biệt chú trọng chất lượng, tính khả thi và sớm trình Chính phủ.
Đến nay, Bộ TT&TT đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng dự thảo 2 Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin và quy định về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Các dự thảo Nghị định này đang được Bộ TT&TT đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ mic.gov.vn để lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.