Để hướng tới những mục tiêu lớn, nhằm thay đổi đất nước trong giai đoạn nỗ lực phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, thì chuyển đổi số được coi là yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện. Trong đó, ngành nông nghiệp cũng xác định thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.Xây dựng hệ thống dữ liệu số nông nghiệp.
Với thực trạng nền nông nghiệp hiện nay phần lớn là những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt, trước ảnh hưởng đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản Việt bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn như: Trung Quốc, EU, Mỹ đóng băng. Cộng thêm các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ,… khiến nền nông nghiệp Việt đứng trước những khó khăn như nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản.
Để khắc phục khó khăn, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là "bước ngoặt" hiệu quả cho tương lai ngành nông nghiệp.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, việc xây dựng hệ thống dữ liệu số nông nghiệp cho phép lưu trữ, quản lý dữ liệu của nông nghiệp Việt Nam, kết hợp với ứng dụng hiển thị thông tin dữ liệu đó trên GIS một cách sinh động, trực quan là rất cần thiết.
Đẩy mạnh phát triển dữ liệu Hệ thống bản đồ nông nghiệp số Việt Nam
Hệ thống bản đồ nông nghiệp số Việt Nam sẽ đáp ứng được mục tiêu quản lý, cập nhật liên tục dữ liệu về thổ nhưỡng, thủy văn, nông sản, lâm sản, thủy sản tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Qua đó, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có đủ dữ liệu, số liệu cập nhật để hoạch định chiến lược, sách lược vĩ mô (gồm hoạch định tìm kiếm thị trường, hoạch định chính sách quản lý, hoạch định vùng cây trồng…).
Hệ thống dữ liệu số trong nông nghiệp cũng sẽ giúp kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ đó có thể có được thông tin khách quan, cập nhật, đầy đủ để lên hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh rõ ràng, chính xác hơn.
Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế ngắn hạn mà là cả một hành trình xuyên suốt, liền mạch
Từ những lợi ích phân tích cho thấy, Chuyển đổi số trên các lĩnh vực hiện nay không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt kinh tế đất nước trong đó có nền nông nghiệp Việt Nam. Và thực tế, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp cũng đã có nhiều giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vự.
Số hóa trong nông nghiệp phải trọn vẹn cả quá trình, ngay từ khâu chăm sóc phải ứng dụng hệ thống cảm biến, phân tích từ yếu tố nước, độ ẩm, ánh sáng…. giảm yếu tố con người. Sau đó dùng công nghệ trong chế biến, tiêu thụ và số hóa trong cả việc quản lý. Mục đích cuối cùng là để khi tới bàn ăn, người dùng có thể biết nguồn gốc của sản phẩm, quá trình hình thành và chăm sóc, ngay cả vận chuyển, khách hàng cũng biết lô hàng đó đến từ đâu, cảng nào, kho nào.
Vấn đề năng lực người nông dân và nguồn vốn eo hẹp
Theo đại diện Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, vấn đề áp dụng công nghệ vào chuỗi giá trị nông nghiệp có 2 vấn đề lớn, một là đào tạo về năng lực con người và hai là sự sẵn có của công nghệ.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện tại là một thách thức lớn, khi hộ sản xuất chiếm đến 70% – 80% là các hộ nông dân nhỏ, việc ứng dụng tin học, máy tính cần phải được đào tạo hướng dẫn trước tiên. Để giải quyết điều này, cách thức đào tạo duy nhất đó là vận động hộ nông dân tham gia vào các hợp tác xã, hoặc các doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng để hướng dẫn cho người dân. Đây là nhu cầu rất lớn, hệ thống khuyến nông của Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào vấn đề đào tạo kỹ năng cho nông dân tham gia vào hợp tác xã, ứng dụng công nghệ thông tin.
Về mặt công nghệ, trong nhiều năm qua nhà nước tập trung hơn vào công nghệ chọn giống, công nghệ trồng trọt để tăng năng suất khu vực trồng trọt. Có thể thấy, Việt Nam đã thành công, bộ giống của chúng ta đối với cây trồng truyền thống như lúa, cà phê đã cho năng suất cao nhất trên thế giới, là mơ ước của nhiều nước. Tuy nhiên, với công nghệ chế biến sâu, bảo quản thì kết quả nghiên cứu chưa nhiều.
Hiện nay, các doanh nghiệp có thể tính đến bài toán nhập công nghệ từ nước ngoài nhưng cần có sự tính toán hiệu quả. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn phải có vai trò dẫn dắt, thiết kế tiêu chuẩn thông tin để nhóm bộ phận nông dân, hợp tác xã làm theo.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay khi áp dụng công nghệ, đối với doanh nghiệp lớn rất thuận lợi vì đồng bộ với số tiền đầu tư, nhưng với hộ kinh doanh, hợp tác xã nhỏ khi đầu tư như vậy sẽ mất rất nhiều tiền. Vì vậy, doanh nghiệp sau khi thử nghiệm công nghệ có thể chuyển giao cho những người nông dân làm cùng sản phẩm, từ đó giá thành sản phẩm sẽ giảm, đồng thời chất lượng nâng cao hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Hoàng, để tạo sự phát triển bền vững của nông nghiệp, cần có sự cân bằng quyền lợi giữa người nông dân, chủ đầu tư, hợp tác xã. Nông dân có sức, có đất, làm được sản phẩm, nhà đầu tư thì có thị trường, quản trị, có thể đưa sản phẩm lên một tầm cao mới. "Để người nông dân làm chủ trên chính mảnh đất của họ thì sẽ thành công" – ông Hoàng chia sẻ.