Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua hình thức trực tuyến, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ các cơ sở sản xuất, HTX, hộ nông dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Công ty TNHH PTK 879 Việt Nam tại thị trấn Lim (Tiên Du) chuyên sản xuất các sản phẩm: Mắm tép chưng thịt PTK, thịt sào mắm ruốc, trâu khô, heo khô, trong đó cả 4 sản phẩm đều đạt chất lượng 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện tại, sản phẩm của Công ty được tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị DABACO, Huy Hùng và nhiều cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh…
Theo ông Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc Công ty, ngoài các kênh bán hàng, phân phối trực tiếp thời gian qua Công ty đẩy mạnh niêm yết, bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn, Lazada, Sendo, Shopee, Selly bởi đây là xu thế tất yếu mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng. Các sản phẩm của PTK được khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước biết đến, tin tưởng, ưa chuộng, nhờ đó, công ty duy trì ổn định sản xuất kinh doanh.
Toàn tỉnh hiện có gần 200 nông sản, sản phẩm được chứng nhận chất lượng OCOP, VietGAP, GlobalGAP, TCVN về nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được niêm yết, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Theo đồng chí Nghiêm Đình Hách, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tránh ùn ứ khi cao điểm thu hoạch, hạn chế phụ thuộc vào thương lái và khâu trung gian… từ cuối năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Các hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử khi đạt một trong các tiêu chí: Quy mô sản xuất 10.000 sản phẩm/năm hoặc từ 5 tấn sản phẩm trở lên. Có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, có tem truy xuất nguồn gốc bảo đảm đúng kỹ thuật quy định. Sản phẩm được chứng nhận OCOP, VietGAP, GlobalGAP, TCVN về nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố, Bưu điện tỉnh và Viettel post tiến hành tập huấn cho khoảng 300 hộ, cơ sở sản xuất, HTX có sản phẩm đáp ứng các tiêu chí.
Là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng sàn thương mại điện tử postmart.vn, thời gian qua Bưu điện tỉnh tích cực triển khai tập huấn, thu thập thông tin dữ liệu, hướng dẫn đăng ký mở tài khoản, cách thức giao dịch cho các chủ thể nông sản tại tất cả các huyện, thành phố.
Chia sẻ về những lợi ích của sàn thương mại điện tử Postmart.vn đối với người nông dân, bà Kiều Kim Châm, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Postmart.vn là giải pháp trọn gói giúp các hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ quản lý đơn hàng, tiếp nhận vận chuyển, phát đơn hàng đến tay người mua và thu hộ tiền trả cho người bán. Toàn bộ những khâu bán hàng của các hộ sản xuất sẽ được Bưu điện thực hiện khép kín”.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá.
Nhận thức rõ điều này, vừa qua, Bưu điện tỉnh phối hợp Hội Nông dân tỉnh thống nhất xây dựng kế hoạch hợp tác với 6 nội dung, trong đó nội dung quan trọng được triển khai trong năm 2022 là rà soát, thu thập thông tin của 18.432 hộ sản xuất nông nghiệp để cập nhật, giới thiệu và bán nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.
Việc triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Một số nông dân có nông sản thuộc diện được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử đã cao tuổi nên việc tiếp cận với công nghệ gặp khó khăn. Số khác lại có sản phẩm theo mùa vụ nên không sử dụng thường xuyên cũng nhanh quên các thao tác. Một số mặt hàng phải qua sơ chế, chế biến mới đưa được lên sàn như thủy sản, gia cầm.
Ông Vũ Văn Chiến, một trong những hộ nuôi cá lồng trên sông Đuống tại xã Đức Long (Quế Võ) cho biết: “Gia đình hiện có 30 lồng nuôi các loại cá: Lăng, diêu hồng, chép, trắm cỏ, rô phi..với sản lượng khoảng 120-150 tấn/năm. Hiện nay, việc tiêu thụ cá chủ yếu qua các thương lái đến thu mua trực tiếp. Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cũng giúp gia đình tiếp cận nhiều hơn với các đầu mối thu mua nhưng vẫn chưa khai thác được hết tính năng của kênh bán hàng này.
Sàn thương mại điện tử là kênh phân phối hiện đại; tạo nên một không gian kinh doanh mở, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Sự góp mặt của các mặt hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử còn giúp người nông dân tăng cường sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh nông sản.
Ở một góc nhìn khác, còn cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân… để xây dựng kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn.