Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/03/2022 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 313/UBND ngày 08/06/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 52, tỉnh Bắc Ninh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ban hành Quy chế, Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; thành lập 733 Tổ công nghệ số cộng đồng và thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Triển khai Trung tâm dữ liệu (Data center) tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư hạ tầng, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng từ Trung ương với tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã; đưa vào sử dụng một số nền tảng số dùng chung cấp tỉnh, đồng thời triển khai nhiều nội dung thực hiện phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, đồng thời đề xuất một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như những kết quả đạt được trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ.
Xác định chuyển đổi số cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng chí yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 52 và Kế hoạch số 313, hàng tháng báo cáo kết quả triển khai về Ban chỉ đạo. Nâng cấp, cập nhật, thông tin truyền thông về chuyển đổi số, hướng dẫn thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, nhất là cập nhật thường xuyên trên Cổng Thông tin điện tử; chủ động bố trí nhân lực công nghệ thông tin, kinh phí thực hiện chuyển đổi số.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, đánh giá, tham mưu điều chỉnh, bổ sung các dự án liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chuyển đổi số. Đồng thời nghiên cứu xây dựng, ban hành quy chế quản lý, phối hợp về đường truyền và hội nghị trực tuyến.
Văn phòng UBND tỉnh tham mưu văn bản giao chỉ tiêu về: trực tuyến, chữ ký số - văn bản điện tử, phản ánh kiến nghị của người dân và các chỉ tiêu đo lường chính sách, để làm căn cứ cho các sở, ngành, địa phương đánh giá. Sở Tài chính chủ trì tham mưu trình ban hành định mức về tài sản chuyên dùng lĩnh vực công nghệ thông tin.
Riêng đối với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; rà soát, triển khai theo các nhiệm vụ được phân công; chỉ đạo 100% cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm thủ tục cấp Căn cước công dân; đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; tài khoản dịch vụ công.
Sở Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy trình quy định chuyển đổi phương thức hoạt động từ thủ công sang công nghệ; thực hiện số hóa 100% dữ liệu hộ tịch; đẩy mạnh công tác làm sạch dữ liệu hộ tịch để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sở Tài chính tham mưu kinh phí triển khai các nội dung của Đề án 06. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp rà soát các điều kiện về hạ tầng, dữ liệu. Sở Y tế đề xuất mua sắm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng thẻ Căn cước công dân.