Ảnh minh họa
Gần 100% người dân thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
PC Bắc Ninh đã mở rộng hợp tác với Viettel Pay Bắc Ninh, Bưu điện tỉnh Bắc Ninh, các ngân hàng, các tổ chức trung gian như Viettel Pay, VNPT, VN Pay, Zalo Pay, Momo… Qua đó, giúp khách hàng có thể thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi qua các hình thức như: chuyển khoản; ủy nhiệm chi; trích nợ tự động; thấu chi…hoặc trả tiền điện thông qua các điểm thu của ngân hàng, thẻ ATM, các cửa hàng tiện ích, siêu thị…
Đăng ký thực hiện thanh toán tiền điện, nước qua ngân hàng, chị Nguyễn Ngọc Bích (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết nhận được tin nhắn qua điện thoại về số tiền phải chi trả hằng tháng và BIDV Bắc Ninh khấu trừ trong tài khoản của chị đúng số tiền đã được thông báo nên rất nhanh gọn, không lo quên đóng tiền điện, nước.
Ngoài các ví online, khách hàng sử dụng điện có thể thanh toán tiền điện một cách dễ dàng vào bất cứ thời gian nào tại các địa điểm hoặc các cửa hàng có liên kết với Payoo trên toàn quốc như: cửa hàng điện máy (Thế giới di động, FPT Shop, MediaMart…), các cửa hàng tiện lợi (WinMart+, Circle K, Ministop…), các siêu thị (Aeon, Lotte mart, WinMart…).
Ngay từ cuối năm 2021, khi việc thanh toán qua ứng dụng tiền di dộng (Mobile money) được Chính phủ phê duyệt, PC Bắc Ninh đã hợp tác với các nhà cung cấp mạng VNPT, Viettel, Mobiphone. Đây là một loại hình dịch vụ thanh toán mới, rất phù hợp với người dân ở khu vực nông thôn và những nơi xa hệ thống tài chính ngân hàng, hoặc những nơi dịch vụ mạng internet chưa phát triển. Theo đó khách hàng thanh toán tiền điện không cần phải có tài khoản ngân hàng, không cần điện thoại thông minh hay internet mà chỉ cần một chiếc điện thoại di động phổ thông có sử dụng tài khoản Mobile Money để thanh toán tiền điện thông qua tin nhắn SMS.
PC Bắc Ninh cũng đẩy mạnh công tác truyền thông như nhắn tin SMS, phát tờ rơi, dán thông báo, phát thông tin trên các phương tiện truyền thông của thôn, xã, đài phát thanh, truyền hình của tỉnh để người dân đồng thuận, chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Biến chợ truyền thống thành “chợ 4.0”
Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh vừa thống nhất triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ theo chủ đề “Chợ công nghệ bình thường mới - Chợ 4.0” trên địa bàn tỉnh theo lộ trình.
Cụ thể, trong tháng 11/2022, Bắc Ninh sẽ triển khai thử nghiệm cách thức giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt tại 2 chợ: Chợ Nam Sơn (TP. Bắc Ninh) và chợ thị trấn Chờ (huyện Yên Phong). Bắt đầu từ tháng 12/2022 và năm 2023, sẽ triển khai đồng loạt tại các chợ còn lại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Đại diện Viettel Bắc Ninh cho biết đang phối hợp xây dựng lộ trình, phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; tổ chức ra mắt mô hình “Chợ công nghệ bình thường mới - Chợ 4.0” hiệu quả nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn.
Chị Ngọc Thảo chủ sạp bán đồ gia dụng tại chợ thị trấn Chờ cho biết hiện các tiểu thương đang được nhân viên Viettel Bắc Ninh hướng dẫn tạo mã QR. Từ đó, người dân có thể dễ dàng thanh toán mọi mặt hàng bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.
“Chợ Nam Sơn việc thanh toán không dùng tiền mặt đã rất phổ biến, hàng thịt nào cũng có số tài khoản ngân hàng treo sẵn, các cửa hàng quần áo có máy POS cà thẻ… Bây giờ còn có thanh toán qua mã QR rất tiện lợi, tôi mua mớ rau, đồ dùng hàng ngày cũng có thể thanh toán dễ dàng, không cần mang theo tiền mặt hay lo đổi tiền lẻ”, anh Lương Hiệp, một người dân ở gần khu chợ Nam Sơn chia sẻ.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi lĩnh vực
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn Bắc Ninh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhiều dịch vụ công. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, áp dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt đối với lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội, điện lực, viễn thông, giao thông...
Ngoài ra, các công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... trong tỉnh đã mở rộng nhiều hình thức thanh toán: thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, thanh toán tiêu dùng thông qua các ứng dụng tích hợp trong điện thoại di động thông minh. Hay việc các doanh nghiệp, đơn vị cũng đang nỗ lực triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thanh toán…
Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến cuối năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại… sử dụng linh hoạt các phương thức thanh toán điện tử, tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, QR code, POS, thẻ tín dụng...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh làm đầu mối, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, hoàn thiện, triển khai các văn bản quy định về hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho thực hiện các mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, kịp thời nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác để cung ứng dịch vụ thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.
Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.