Bắc Ninh: Đa dạng hóa cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Thứ hai, 31/08/2015 14:48

Được biết đến là địa phương có tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp tương đối cao với nhiều khu công nghiệp hoạt động hiệu quả, từ nhiều năm nay, với hướng đi đúng, trên cơ sở phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp, đẩy mạnh đào tạo các nghề phi nông nghiệp, người lao động ở nông thôn Bắc Ninh đã dần có thêm cơ hội việc làm để tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.

img

Là một trong những đầu bếp có tay nghề “cứng” ở Nhà hàng Tây Bắc (Phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh), anh Phạm Văn Đông chia sẻ: “Nhà tôi ở Yên Phong, đất nông nghiệp cơ bản được thu hồi để phục vụ mở rộng các khu công nghiệp. May nhờ được theo học lớp dạy nghề nấu ăn do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức nên tôi đã tìm được việc làm ổn định. Đến nay, với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng, tôi đã có thêm tiền để lo cho gia đình”.

Cũng được học nghề ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh, chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Xuân Hội, xã Lạc vệ, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) lại thành công với nghề mây tre đan. Vừa kiểm tra lại sản phẩm chuẩn bị bàn giao cho thương lái, chị Hằng vừa tâm sự: “Gia đình tôi vốn làm nông nghiệp song thu nhập có được chẳng là bao. Từ năm 2013, sau khi tham gia lớp dạy nghề mây tre đan, tôi đã tranh thủ thời gian để làm thêm. Học nghề này không khó mà lại có thể làm được quanh năm. Tôi chỉ mất 2,5 tháng là có thể làm được sản phẩm để bán”.
 
Hiện nay, ở thôn Xuân Hội không chỉ có gia đình chị Hằng mà còn có trên 700 lao động khác cũng tham gia sản xuất mây tre đan trong các hợp tác xã, công ty, tổ hợp sản xuất… Hầu hết sản phẩm làm ra đều được công ty TNHH Ngọc Quyết và Hợp tác xã Mạnh Cường thu mua với giá cả ổn định để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Nhờ đó, tuy là nghề phụ song nếu làm quen việc và tận dụng tốt thời gian nhàn rỗi thì thu nhập của người sản xuất có thể được 150 - 170 nghìn đồng/ngày. Nguồn kinh tế đem lại từ mây tre đan của thôn Xuân Hội chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất kinh tế của địa phương.
 
Ghi nhận từ thực tế giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Bắc Ninh thời gian qua cho thấy, đào tạo nghề phi nông nghiệp đã và đang trở thành một hướng đi mang lại những hiệu quả rõ rệt.
 
Theo thống kê, trong tổng số 35 nghề được triển khai đào tạo ở Bắc Ninh thuộc Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (giai đoạn 2010 - 2014), có 22 nghề phi nông nghiệp được người nông dân lựa chọn. Đến nay, đã có hơn 1,4 vạn lao động nông thôn theo học nghề phi nông nghiệp (chiếm gần 69% tổng số đào tạo) có được việc làm ổn định, trong đó, bao gồm hơn 2.600 lao động được các đơn vị sử dụng lao động tuyển dụng; hơn 7.000 lao động tự tạo được việc làm; trên 4.500 lao động được nhận bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Cũng từ hiệu quả việc đào tạo nghề phi nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có 181 tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân được thành lập; hơn 1.500 hộ nông dân có được thu nhập khá và gần 400 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Với mục tiêu thiết thực hỗ trợ lao động nông thôn học nghề và tìm kiếm việc làm, hiện nay, Bắc Ninh đang có trên 30 cơ sở tham gia dạy nghề phi nông nghiệp bao gồm: Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm của Hội Nông dân tỉnh và các Trung tâm Giới thiệu việc làm cấp huyện. Với cơ cấu các nghề phi nông nghiệp được đưa vào đào tạo cho người lao động ngày một đa dạng như: Các nghề nấu ăn, mây tre đan, may công nghiệp, tin học văn phòng, thêu tranh truyền thống…, qua thống kê, việc đào tạo nghề phi nông nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn, vừa thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn.
 
Thực tế, cùng với tốc độ đô thị hóa và sự mở rộng các khu công nghiệp đã làm cho diện tích đất nông nghiệp ở Bắc Ninh có xu hướng thu hẹp lại. Hệ quả là nhiều nghề nông nghiệp sau đào tạo khó phát huy được tác dụng. Trong điều kiện đó, nghề phi nông nghiệp chính là sự lựa chọn phù hợp cho lao động nông thôn.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiệu quả thu được trong thời gian qua là tiền đề thuận lợi để Hội Nông dân Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động và khả năng sản xuất của nông dân. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trực tiếp là các cấp Hội Nông dân, hy vọng nhóm nghề phi nông nghiệp sẽ sớm thực sự là “lời giải” của “bài toán” tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn ở Bắc Ninh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top