Theo phản ánh, gần đây phóng viên của một số Tạp chí điện tử, báo điện tử chuyên ngành về tỉnh Bắc Ninh tác nghiệp và có những thông tin đăng tải chưa khách quan, thiếu chính xác. Đặt tít giật gân, câu khách để chú ý người đọc và “gây sức ép” với các nhà đầu tư. Đặc biệt là các bài viết có nội dung phản ánh đến việc giá thiết bị của gói thầu các dự án do cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh làm chủ đầu tư cao hơn giá thị trường như: Tivi 86 inh giá thị trường 48 triệu đồng, giá trúng thầu 72 triệu đồng; máy tính xách tay HP 8XS68PA giá thị trường 26 triệu đồng, giá trúng thầu 33 triệu đồng; camera giá thị trường 3,8 triệu đồng, trúng thầu 5,2 triệu đồng…
Với góc nhìn từ người làm về thiết bị công nghệ, chúng ta hiểu rằng một thiết bị công nghệ mới ra mắt bao giờ cũng có giá cao hơn so với thiết bị đã ra mắt sau một thời gian nhất định. Sau một thời gian (khoảng 6 đến 24 tháng), tùy theo mỗi loại sản phẩm có thể giảm giá từ 10-30%. Điển hình và phổ cập mà tất cả người dân đều thấy rõ là các dòng điện thoại thông minh. Cụ thể, một chiếc điện thoại Iphone 12 Pro Max 256GB khi mới ra mắt tại thị trường Việt Nam có giá 32 triệu đồng thì đến nay giá chỉ 26 triệu đồng (giảm khoảng 20%), chưa tính đến hàng chính hãng hay không chính hãng, bảo hành toàn cầu hay bảo hành cửa hàng.
Xét về các dịch vụ đi kèm cho các sản phẩm phải lắp đặt, cài đặt, nếu phải lắp đặt tại địa chỉ khách hàng yêu cầu, bảo hành tại địa chỉ khách hàng, thiết bị bảo hành chính hãng, thanh toán chậm so với mua tại cửa hàng… thì giá thành sản phẩm cũng có sự chênh lệch. Về mặt quy trình của dự án, thông thường kể từ ngày phê duyệt dự toán gói thầu cho đến khi ký hợp đồng và bàn giao sản phẩm mất từ 3 đến 12 tháng, chưa tính đến dòng sản phẩm có rất nhiều model, xuất xứ khác nhau… sẽ dẫn tới giá thành khác nhau.
Đặt ngược lại các bài báo đăng tin là giá thị trường thì giá đó lấy ở đâu? Trang web đăng giá đó có đáng tin cậy hay không? Khi đặt mua hàng thì có hàng không (thường các website không còn hàng hay đăng giá thấp để câu người xem và thu hút truy cập vào trang của mình), bao lâu thì có hàng, thanh toán thế nào?…
Được biết, những bài báo dạng này thường do một số Tạp chí, cơ quan báo chí chuyên ngành chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí chuyên ngành, xa rời tôn chỉ mục đích đã được cấp phép, nhằm gây sức ép cho các chủ đầu tư với mục đích “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Tình trạng này không mới, đã và đang xảy ra, gây bức xúc không chỉ trong cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí mà còn cả trong dư luận xã hội.
Trong thời gian qua, ngành thông tin và truyền thông đã rà soát, xử phạt nhiều Tạp chí điện tử, báo điện tử sai phạm trong hoạt động thông tin tuyên truyền nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Thiết nghĩ, để báo chí phát triển lành mạnh, các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông và các cấp, các ngành cần vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc chấn chỉnh, xử lý các Tạp chí điện tử, báo điện tử sai phạm, đăng tải thông tin thiếu chính xác, không khách quan. Bên cạnh đó lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò “cầm cân nảy mực” của người đứng đầu, tuân thủ nghiêm Luật Báo chí và các Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đặc biệt cương quyết xử lý các phóng viên, nhà báo của cơ quan mình viết những bài xa rời, sai tôn chỉ mục đích đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép./.