Ảnh minh họa
Mặc dù các ngành, địa phương tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp dịch DVCTT mức độ 3, 4, góp phần nâng cao tỷ lệ cung cấp và nâng cao tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến, tuy nhiên, kết quả cung cấp DVCTT của tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra trên cả 2 phương diện là tỷ lệ cung cấp DVCTT và tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến.
Tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 4 hiện tại mới đạt 66,14% trong khi mục tiêu năm 2022 đề ra là 82%. Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến thấp; tính đến ngày 13/5/2022 mới có 325 DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 24%, chưa đạt mục tiêu tỉnh đề ra là 50%, mục tiêu của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia đề ra là 80%.
Nguyên nhân được xác định là do một số ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm thực hiện tốt việc rà soát TTHC đủ điều kiện để cung cấp thành DVCTT; chưa kịp thời cập nhật, công khai TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định. Việc tái cấu trúc TTHC chưa đạt hiệu quả đề ra, một số TTHC chưa tận dụng tối đa công nghệ, các dữ liệu điện tử được cung cấp bởi các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có liên quan. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số của hầu hết người dân trong tỉnh còn hạn chế; một số người ngại thay đổi thói quen, ngại sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh và các ứng dụng của DVCTT; một số khác có tâm lý lo ngại mất an toàn thông tin mạng…
Để nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT, mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Kế hoạch số 439/KH-UBND về nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Kạn, trong đó tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề về đảm bảo điều kiện hạ tầng; kết nối, chia sẻ dữ liệu; rà soát, đơn giản hoá, tái cấu trúc quy trình TTHC gắn với dữ liệu số; nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp, thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng DVCTT của cơ quan nhà nước cung cấp.
Tại Kế hoạch, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu về tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 4 và tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đến từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố (bao gồm cả cấp xã trên địa bàn) để các đơn vị, địa phương có mục tiêu cụ thể phấn đấu. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu này được xác định là là một trong những chỉ tiêu đánh giá về cải cách hành chính, chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương.
Nhằm đẩy mạnh sử dụng DVCTT, từng bước hình thành “Công dân điện tử”, UBND tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng DVCTT và dịch vụ bưu chính công ích (DVBCCI) khi thực hiện TTHC, không nộp hồ sơ trực tiếp khi thực hiện TTHC. Yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ TTHC tại các cơ quan, đơn vị tích cực hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đăng ký, sử dụng tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích và hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng DVCTT, DVBCCI để góp phần công khai, minh bạch thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp…/.