Bắc Kạn: Dạy nghề theo thế mạnh địa phương

Thứ sáu, 19/07/2013 14:13

Dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương là giải pháp hiệu quả của tỉnh Bắc Kạn nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

img

560 lao động nông thôn được đào tạo nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cây dong riềng.

Vốn được coi là cây trồng thoát nghèo của bà con nông dân người dân tộc thiểu số, những năm qua, cây dong riềng đã nhận được nhiều sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh Bắc Kạn. Điển hình, thông qua Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, 3 năm qua, Bắc Kạn đã tổ chức dạy nghề sản xuất miến dong và phụ phẩm từ cây dong riềng cho 560 lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Trong đó, 315 người học nghề sản xuất tinh bột dong riềng, 140 người học nghề sản xuất miến dong và 150 người học nghề sản xuất phân vi sinh và chất đốt từ bã cây dong riềng.

Sau khi đào tạo, 70,2% số lao động đã tìm được việc làm với thu nhập trung bình từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Đã có 415 hộ gia đình được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ máy móc thiết bị mở rộng sản xuất. Đáng kể, đã có 19 hộ gia đình thoát nghèo và 49 hộ trở thành hộ gia đình khá sau học nghề và được tạo việc làm.
 
Bên cạnh đó, cây dong riềng còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh như Chương trình 30a, chính sách hỗ trợ giống, phân bón, Chương trình xây dựng thương hiệu, quảng bá cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn. Nhờ đó, “độ phủ” của cây dong riềng cũng như hoạt động sản xuất miến dong trên địa bàn đã tăng đáng kể.
 
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Bắc Kạn hiện có 95 cơ sở chế biến bột dong riềng với tổng sản lượng 25.000 tấn mỗi năm, 31 cơ sở sản xuất miến với sản lượng 400 tấn miến/năm. Tính đến tháng 5/2013, diện tích cây dong riềng của tỉnh đạt 2.943 ha, tăng 60% so với năm 2012. Với đầu ra từ 40.000-60.000 đồng/kg, miến dong đã đem lại nguồn thu đáng kể cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số tại một số địa phương trong tỉnh.
 
Bên cạnh đó, dựa trên thế mạnh về sản xuất nông - lâm nghiệp, chế biến gỗ…, 3 năm qua, Bắc Kạn cũng đã tổ chức đào tạo cho trên 5.450 lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số các nghề: Trồng rau đặc sản, trồng nấm, chăn thả gà đồi, sản xuất chế biến gỗ... Hầu hết lao động sau học nghề đều tìm được việc làm với thu nhập ổn định.
 
Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh, dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương là giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của tỉnh. Do phần lớn lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh là lao động nông, lâm nghiệp nên việc lựa chọn tổ chức các lớp đào tạo thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… các mặt hàng từ nông sản, lâm sản là rất phù hợp. Mà hiệu quả từ các lớp dạy nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cây dong riềng là một ví dụ điển hình.
 
Thêm vào đó, do đặc điểm tâm lý, lối sống, nhận thức của người lao động, nhất là lao động là người dân tộc thiểu số, nên việc lựa chọn nghề, hình thức dạy nghề phải quen thuộc và phù hợp với thói quen của người lao động. Theo đó, hầu hết các lớp dạy nghề đều được tổ chức theo hình thức vừa học vừa làm, bám sát với địa điểm lao động của người học… Kết quả giám sát, đánh giá cũng cho thấy, phần lớn lao động học nghề, nhất là nghề sản xuất nông, lâm nghiệp, đã áp dụng khá tốt kiến thức được học vào sản xuất, góp phần đáng kể tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
 
Thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với thế mạnh địa phương. Tổ chức linh hoạt các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, phong tục tập quán của địa phương. Khảo sát hàng năm nhu cầu thị trường lao động theo từng nghề để có cơ sở tư vấn, định hướng kịp thời cho người lao động…, lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh cho biết thêm./.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top