Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ngành, UBND tỉnh Bắc Giang cắt băng xuất hành đưa vải thiều đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước
Tham dự hội nghị, về phía đại biểu các Bộ, Ngành trung ương có: Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang…
Vải thiều đạt chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu lớn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết: năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt; cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng nên chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay.
Theo đó, năm 2022 cây vải thiều ra hoa, đậu quả với tỷ lệ 70-90%. Tổng sản lượng thu hoạch vải thiều Bắc Giang năm nay dự kiến đạt khoảng 180.000 tấn; trong đó sản lượng vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP khoảng 112.900 tấn (chiếm 62,7% tổng sản lượng vải).
Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 18 mã vùng trồng với diện tích 218 ha vải thiều, sản xuất, cung cấp cho thị trường Mỹ, EU, Úc, EU; thị trường Nhật Bản có 30 mã số vùng trồng, diện tích hơn 269 ha, sản lượng khoảng 1.800 nghìn tấn.
Về thị trường tiêu thụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường gồm cả trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, các địa phương chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều.
Đối với thị trường trong nước, ngay từ đầu vụ vải thiều đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: Megamart, GO!, Coopmart, các chợ đầu mối hoa quả ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các thị trường ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong cả nước.
Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến tại thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Singapore. Ngoài ra, Bắc Giang còn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng quan tâm đổi mới phương thức tiêu thụ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các Sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage, Face book, Zalo…
Đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều Bắc Giang, trong đó có nhiều thương nhân trong nước và các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước Đông Nam Á, EU, Thái Lan...
Đặc sản của Bắc Giang được trưng bày tại hội nghị xúc tiến thương mại năm 2022
Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Bắc Giang quảng bá, tiêu thụ vải thiều
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang duy trì kết nối, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ vải thiều Bắc Giang ở cả thị trường trong nước và quốc tế, hỗ trợ cập nhật thông tin về chính sách xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của những thị trường nhập khẩu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, việc phát triển chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng giá trị cho trái vải, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu cho biết, năm 2022 là năm thứ 3 Bắc Giang phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở trong, ngoài nước, được các bộ, ngành, Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và bạn bè quốc tế ủng hộ.
Thời gian qua, Vải thiều Bắc Giang đã được thị trường trong và ngoài nước đón nhận, đánh giá cao. Phát huy kết quả đạt được, vụ vải thiều năm nay, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, canh tác mở rộng các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và vải thiều hữu cơ.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chuẩn bị kỹ các điều kiện bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho các thương nhân, doanh nghiệp đến với tỉnh Bắc Giang để thu mua vải thiều. Tập trung các nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của các đối tác tiêu thụ vải thiều trong nước cũng như ngoài nước. Thực hiện linh hoạt các phương pháp giao, nhận hàng để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến góp ý bổ ích. Đây là những ý kiến rất quý báu của các đại biểu dành cho tỉnh Bắc Giang. Bắc Giang trân trọng và xin nghiêm túc tiếp thu, nhất là những ý kiến liên quan đến tuân thủ quy trình sản xuất, thu mua, đóng gói và thông quan xuất vải thiều. Ông Dương nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử; cắt băng xuất hành chuyến vải đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Trong đó Sàn thương mại điện tử Postmart, năm 2022 dự kiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang, cụ thể như sau: Vải thiều: 2000 tấn qua kênh online; và các nông sản, thực phẩm khác: 500 tấn.
Xe vận chuyển vải thiều sớm Bắc Giang vào hệ thống siêu thị