Tỷ lệ văn bản ký số đạt cao
Chữ ký số và chứng thư số của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và xác thực. Trên cơ sở đó được tích hợp vào trục văn bản liên thông, phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc của tỉnh để thuận lợi trong xử lý công việc. Việc theo dõi, quản lý chữ ký số được thực hiện thường xuyên, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức, cá nhân; bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử.
Lãnh đạo UBND phường Xương Giang (TP Bắc Giang) sử dụng chữ ký số khi phát hành văn bản điện tử.
Thống kê từ cơ quan chuyên môn, đến nay, toàn tỉnh đã cấp hơn 5.700 chứng thư số, trong đó cấp 4.028 chứng thư số cho cá nhân, 1.676 chứng thư số cho tổ chức. Ngoài ra còn xây dựng, đưa vào sử dụng ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trên hệ điều hành IOS, Android; cấp 156 sim PKI và hòa mạng cho các thuê bao phục vụ ký số trên thiết bị di động.
Theo bà Trần Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông), việc triển khai ký số điện tử của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khá tốt. Tỷ lệ văn bản lãnh đạo ký số đạt cao, tại cấp tỉnh là hơn 97%.
Để đạt được kết quả đó, hằng tháng, Trung tâm trích xuất dữ liệu của từng địa phương, đơn vị theo thứ tự báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo. Thực tế cho thấy nơi nào người đứng đầu quan tâm thì nơi đó có kết quả cao như TP Bắc Giang, các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên; các sở: Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và PTNT...
Liên tục dẫn đầu về tỷ lệ văn bản điện tử có ký số ở cấp huyện, cấp xã với 100% văn bản gửi điện tử được ký số của tổ chức, 96% văn bản điện tử được ký số cá nhân, TP Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Đặc biệt là đề xuất mở rộng đối tượng cấp chứng thư số cá nhân cho trưởng các phòng, ngành, đơn vị thuộc UBND TP.
Phường Xương Giang có tỷ lệ văn bản điện tử được ký số đạt 100%. Ông Hà Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND phường chia sẻ: "Muốn tỷ lệ ký số, tạo lập công việc trên phần mềm cao thì bản thân lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện. Như vậy cũng dễ dàng kiểm tra, giám sát đôn đốc công việc”. Cũng theo ông Quế, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt, đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, trình độ đạt chuẩn là những thuận lợi trong triển khai công việc.
Khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm
Sử dụng văn bản điện tử có ký số góp phần thay đổi thói quen làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, cùng đó tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng ngân sách mỗi năm cho Nhà nước. Tuy nhiên hiệu quả khai thác, sử dụng ở một số nơi chưa cao. Nguyên nhân là do phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc của một số sở, UBND cấp xã chưa chạy trong hệ thống mạng chuyên dùng của tỉnh mà chủ yếu sử dụng mạng Internet thông thường dẫn đến gián đoạn đường truyền.
|
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày 1/5/2021, 100% văn bản điện tử được gửi nhận có ký số và 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ tại cấp huyện; 60% hồ sơ tại cấp xã được xử lý trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc. |
|
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng, khai thác phần mềm rất lớn, cơ sở dữ liệu phát sinh nhiều nên xuất hiện tình trạng máy chủ quá tải. Giới hạn dung lượng file đính kèm trên phần mềm còn thấp nên một số hồ sơ (đặc biệt là các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực dự án, đồ án có dung lượng lớn của Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) không thể gắn lên phần mềm để xử lý điện tử.
Kỹ năng khai thác, sử dụng của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cấp xã hạn chế, một số nơi người đứng đầu chưa quan tâm, thiếu quyết liệt.
Xác định con người là yếu tố quan trọng để nâng cao tỷ lệ ký số văn bản điện tử, mới đây, huyện Tân Yên và Hiệp Hòa đã tổ chức tập huấn sử dụng cho gần 200 cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo cấp xã và cán bộ liên quan. Huyện Việt Yên, hằng quý thực hiện kiểm tra, chấm điểm thao tác sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, ký số của gần 400 cán bộ.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, Sở tiến hành rà soát, kiểm tra, đôn đốc tại các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ ký số và xử lý hồ sơ công việc trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc thấp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng như hướng dẫn đơn vị chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực.
Rà soát, kiểm tra hệ thống mạng chuyên dùng tại tòa nhà liên cơ quan, xây dựng phương án bảo đảm việc khai thác, sử dụng phần mềm của các cơ quan, đơn vị trong tòa nhà. Xây dựng phương án nâng cấp phần mềm, phân tải hệ thống máy chủ quản lý văn bản và điều hành công việc.
Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ mới; người sử dụng phải thay đổi nhận thức và thói quen ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành công việc.
Bố trí cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin có khả năng hỗ trợ người dùng tại đơn vị cũng như ban hành các quy định nội bộ về quản lý, lưu trữ và sử dụng chữ ký số, từng bước hòa nhập vào lộ trình xây dựng chính quyền điện tử chung toàn tỉnh.