Xác định thương mại điện tử là kênh tiêu thụ quan trọng
Việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương trên thương mại điện tử (TMĐT) đang tạo ra “làn sóng” mới trong thói quen tiêu dùng bởi sự tiện lợi khi mua sắm và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Sàn TMĐT với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá.
Xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước, thực hiện thành công sẽ có hiệu quả ngay cho xã hội.
Từ đây, Bắc Giang đặc biệt coi trọng công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng. Tạo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Triển khai thực hiện chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia 2 sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn) để kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ; hướng tới hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử).
Tỉnh cũng đồng thời xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về chuyên trang thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang; tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến, kiến thức khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử..., thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.
Đưa thương mại điện tử vào tiêu thụ nông sản
Từ những chủ trương của tỉnh, thương mại điện tử đã được áp dụng hiệu quả vào hoạt động tiêu thụ nông sản. Ông Dương Ngọc Vương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Sơn – huyện Lục Nam cho biết, toàn xã có 250 ha dứa, tập trung nhiều ở các thôn Đồng Cống, Quất Sơn, Hà Sơn 1, Huê Vận 2… sản lượng bình quân 5 nghìn tấn/năm. Quả dứa Bảo Sơn được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng do chất lượng tốt, sản xuất an toàn. Tuy nhiên cũng giống nhiều loại nông sản khác, quả dứa không tránh khỏi những lúc “được mùa, mất giá” hoặc khó khăn trong mở rộng thị trường. Để khắc phục, xã Bảo Sơn vừa thành lập tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương lên không gian mạng, hỗ trợ nông dân tiếp cận các sàn thương mại điện tử.
Tháng 4 vừa qua, ông Dương Ngọc Vương được tham gia chương trình đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam. Hiện dứa Bảo Sơn cũng đã có một gian hàng trên sàn này. Mặc dù vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa hoạt động chính thức nhưng đã mở thêm một kênh tiêu thụ nông sản cho người dân với ưu điểm không còn bị giới hạn về không gian và thời gian như các kênh truyền thống trước đây.
Hoặc với trái vải thiều, ngay từ đầu vụ 2022, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên “Gian hàng Việt trực tuyến” và các sàn thương mại điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn thương điện tử; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, zalo...
Về kết quả thu được, đã có trên 10.500 tấn vải được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, trong đó có 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước Châu Âu qua sàn thương mại điện tử đã đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất, tiêu thụ vải thiều của tỉnh trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 (2021, 2022).
Đến nay, Bắc Giang đã có trên 113.670 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn khởi tạo gian hàng đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nhiều mặt hàng nông sản và 180 sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang được hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, Postmart.vn...
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, an toàn, tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, tỉnh Bắc Giang xác định sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực. Hỗ trợ các hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử về hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa nông sản lên sàn, tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch.