Bắc Giang: Quan tâm đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Thứ bảy, 29/04/2023 16:06

Cùng với đầu tư hạ tầng, nền tảng số, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chuyển đổi số (CĐS). Tuy nhiên công tác này còn nhiều khó khăn.

tich-cuc-chuyen-doi-so-1.jpg 

Thiếu cán bộ chuyên trách CNTT

Thống kê từ Sở Thông tin và Truyền thông, tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh có trình độ về CNTT từ trung cấp trở lên là 1.478 người, chiếm gần 4% tổng số CBCCVC (đại học trở lên 593 người; cao đẳng 292 người; trung cấp 192 người); có chứng chỉ tin học là 30,9 nghìn người; 100% CBCCVC biết sử dụng máy vi tính, internet. Toàn tỉnh có 25 sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, TP đã bố trí công chức chuyên trách CNTT và CĐS đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Còn 5 cơ quan, đơn vị chưa bố trí được là: Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, các huyện Yên Thế, Việt Yên và Lục Nam.

Theo ông Triệu Văn Phượng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Thế, Phòng hiện có 5 biên chế làm việc. Trong khi nhiệm vụ nhiều, đòi hỏi chuyên sâu, nhất là lĩnh vực CĐS cần có cán bộ chuyên trách CNTT phụ trách để trực tiếp tham mưu cho huyện. Tuy vậy để tuyển được người rất khó.

Về nguồn nhân lực phục vụ CĐS của tỉnh, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng còn thiếu, nhất là cán bộ chuyên trách, chuyên gia giỏi, kỹ sư đầu ngành về phần mềm, bảo mật, công nghệ số. Công chức chuyên trách CNTT mới chỉ đáp ứng những yêu cầu cơ bản; chưa quản lý, vận hành và hướng dẫn sử dụng được các hệ thống CNTT, phần mềm dùng chung của tỉnh, phần mềm chuyên ngành mà chủ yếu phụ thuộc vào cơ quan chuyên môn của tỉnh và đơn vị cung cấp phần mềm. Nguyên nhân do công chức chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên khó để đầu tư nghiên cứu chuyên sâu. 

Trình độ ứng dụng CNTT của CBCCVC trong tỉnh mới ở mức phổ cập các kiến thức cơ bản nên việc khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, đặc biệt là phần mềm dùng chung của tỉnh còn hạn chế. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang chưa có chính sách riêng để thúc đẩy và phát triển nguồn nhân lực CNTT. Cụ thể là thiếu cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức ngành CNTT; chưa có chính sách đãi ngộ đối với công chức chuyên trách CNTT nên khó thu hút nguồn nhân lực giỏi về CNTT vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và cơ sở đào tạo.

Đào tạo, xây dựng đội ngũ cốt cán

Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như những hạn chế về nhân lực trong thực hiện CĐS của tỉnh, Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 433-NQ/TU ngày 4/5/2019 về việc phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025; Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành chủ trì.

Năm 2021, 2022, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 10/63 tỉnh, TP cả nước về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh. Ba năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), tỉnh Bắc Giang dẫn đầu cả nước lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.

Tháng 2/2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập tổ chuyên gia CĐS tỉnh Bắc Giang gồm 20 cán bộ của các cơ quan, đơn vị để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu thành các chuyên gia CĐS, tham mưu cho tỉnh về chiến lược, kế hoạch, đầu tư, kỹ thuật, công nghệ, nguồn nhân lực và xu hướng phát triển CĐS.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Định hướng ngành Giáo dục sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ CNTT theo 3 cấp độ: Cốt cán, nâng cao, đại trà. Nòng cốt là giáo viên có trình độ CNTT, tin học. Để làm được ngành sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ biên tập tài liệu để triển khai tập huấn. Cùng đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực số từ trên ghế nhà trường cho học sinh, sinh viên". Tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang hiện đang đào tạo 5 ngành, nghề chất lượng cao, trong đó có ngành CNTT (ứng dụng phần mềm).

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Dù còn khó khăn về nhân lực song với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, Bắc Giang đã đạt những kết quả tích cực trong công tác CĐS. Tuy vậy với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao thì việc phải tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT càng cấp thiết. 

Từ năm 2018 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức gần 200 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng CNTT; kỹ năng khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung cho đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh. Cùng đó tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ thuật mạng, bảo mật hệ thống mạng cho cán bộ chuyên trách về CNTT của sở, ngành, UBND huyện, TP. Thời gian tới, Sở tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nguồn nhân lực hiện có theo hướng cầm tay chỉ việc và chuyên sâu từng lĩnh vực, phục vụ CĐS.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết nhiệm vụ quý I năm 2023 của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương nghiên cứu, đề xuất chế độ hỗ trợ đối với CBCCVC thực hiện nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ CĐS của tỉnh trong tháng 5/2023. Sở Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, UBND huyện, TP rà soát, kiện toàn đội ngũ chuyên trách CNTT, xong trong quý II/2023. Đội ngũ chuyên trách CNTT không điều động, bổ nhiệm sang vị trí khác khi chưa bố trí được nhân lực thay thế.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top