Hội nghị được tổ chức vào sáng 23/2, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn tại điểm cầu trung tâm. Cùng dự Hội nghị có đại diện một số lãnh đạo các sở: Tài chính, Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối đến điểm cầu 10 huyện, TP và 209 xã, phường, thị trấn.
Đ/c Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc, Phó Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh. Đây là lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với cán bộ làm nhiệm vụ ứng dụng CNTT và CĐS trong các cơ quan các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh với mục đích nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong ứng dụng CNTT, CĐS trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời khẳng định thời gian qua mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Bắc Giang đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện CĐS. So với nhiều địa phương khác, Bắc Giang chưa phải là tỉnh có nguồn lực kinh tế mạnh, nhưng Bắc Giang đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp…do đó, bước đầu đã mang lại những kết quả rất tích cực. Bắc Giang đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố về thực hiện Chuyển đổi số cấp tỉnh (trong đó về chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14, xã hội số đứng thứ 25). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn tại Hội nghị này đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ ứng dụng CNTT, CĐS trên địa bàn tỉnh sẽ đóng góp những ý kiến, đề xuất cũng như chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến để đẩy nhanh hơn nữa công tác CĐS phục vụ tốt hơn hoạt động của các cơ quan nhà nước và đời sống nhân dân và mục tiêu của năm 2022 là giữ được thứ hạng đứng thứ 10 cả nước về thực hiện CĐS.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Việt Yên phát biểu tại điểm cầu huyện Việt Yên.
Hội nghị tiếp nhận được 43 ý kiến trực tiếp và dán tiếp. Với tinh thần thẳng thắn cởi mở, đội ngũ làm nhiệm vụ ứng dụng CNTT, CĐS trong tỉnh đã nêu ra những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai ứng dụng CNTT và CĐS như: Hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT, chất lượng dịch vụ internet trong nhà trường còn hạn chế, thiếu đồng bộ, việc đầu tư máy móc thiết bị CNTT cho cán bộ công chức, viên chức người lao động chưa được quan tâm đúng mức, Đề nghị tỉnh cần có quy chuẩn hạ tầng CNTT cơ bản để đáp ứng cho triển khai CĐS; nâng cấp đường truyền, kết nối, chia sẻ dữ liệu; hỗ trợ các địa phương còn khó khăn về kinh phí cho đầu tư CNTT; số lượng cán bộ chuyên trách CNTT trong cơ quan chuyên môn ít, nhiều cán bộ làm công tác kiêm nhiệm nên việc tiếp cận ứng dụng CNTT vào công việc chuyên môn còn hạn chế; chưa có cơ chế chính sách đại ngộ thu hút lực lượng CNTT; khó khăn trong việc mua sắm thiết bị tập trung; vấn đề số hóa dữ liệu; quy trình, thủ tục ….
Trao đổi, giải đáp về nội dung liên quan đến mua sắm thiết bị CNTT, ông Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Hiện nay theo quy định, kinh phí đầu tư trang thiết bị của bộ phận một cửa cấp xã thuộc nhiệm vụ chi hằng năm của cấp huyện. Do vậy các huyện, TP quan tâm chủ động bố trí ngân sách để mua sắm thiết bị CNTT cho các xã. Tháng 5/2021, Sở Tài chính đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định về danh mục mua sắm tập trung rút gọn hơn so với trước (còn máy vi tính, máy in) và giao các huyện, TP chủ động mua sắm theo danh mục. Về nội dung bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về kinh tế trong việc thực hiện các dự án CNTT và kế hoạch CĐS, Sở Tài chính tiếp thu và đề nghị các đơn vị khi xây dựng dự toán ngân sách hằng năm rà soát tình hình thực tế, đề xuất để Sở tham mưu UBND tỉnh có hướng đầu tư mục tiêu CNTT đối với nơi khó khăn.
Giải đáp về nội dung nguồn nhân lực làm CNTT, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Phương đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ Đề án vị trí việc làm để bố trí cán bộ CNTT phù hợp theo quy định. Về cơ chế khuyến khích, đối với đơn vị chưa tuyển được cán bộ CNTT trong kỳ tuyển dụng vừa qua mà tại cơ sở đã có nhân lực đáp ứng được yêu cầu thì nghiên cứu làm văn bản đề nghị chuyển chức danh. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích đối với cán bộ CNTT phù hợp với nguồn lực của tỉnh.
Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang Trần Minh Chiêu trao đổi, giải đáp ý kiến về lĩnh vực CNTT, CĐS.
Với vai trò là cơ quan thường trực về CNTT, CĐS của tỉnh, ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT đề nghị cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh dành nhiều thời gian nghiên cứu, từng bước thay đổi nhận thức, tư duy để thực hiện CĐS. Muốn CĐS tốt thì phải bảo đảm hạ tầng, phần mềm, chất lượng nguồn nhân lực, an toàn an ninh mạng. Do đó các cấp, ngành quan tâm tuyển dụng nhân lực chất lượng về CNTT; xây dựng kế hoạch đào tạo và tập huấn; đầu tư thiết bị đầu cuối; vận hành tốt các nền tảng như ký số, phát hành văn bản điện tử, truyền hình hội nghị… Về phía sở, đơn vị sẽ từng bước tham mưu UBND tỉnh nâng cao khả năng của Trung tâm tích hợp dữ liệu, bảo đảm khai thác hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, tích hợp các phần mềm, hệ thống theo kế hoạch. Sở đề nghị, trước mắt, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm đào tạo, đào tạo lại cán bộ, công chức hiện có để đáp ứng ngay yêu cầu triển khai CĐS; không đầu tư xây dựng phần mềm, ứng dụng mà tập trung cao cho đầu tư trang thiết bị đầu cuối; làm chủ các phần mềm, ứng dụng được Sở triển khai và quan tâm thực hiện số hoá kết quả giải quyết TTHC, gắn với ký số; phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống truyền hình trực tuyến,... Sở sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương để đạt hiệu quả cao nhất trong việc triển khai ứng dụng CNTT, CĐS.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhận định, để thành công CĐS phải làm với quyết tâm cao hơn, bứt tốc hơn, triển khai đồng bộ, hiệu quả các trụ cột CĐS từ nâng cao nhận thức của người đứng đầu; hoàn thiện thể chế, có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện; chủ động đầu tư hạ tầng, nền tảng. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đã giao Sở TT&TT có trách nhiệm thẩm định các phần mềm, ứng dụng do các cơ quan, đơn vị, địa phương tự đầu tư xây dựng, triển khai để bảo đảm đáp ứng kết nối, liên thông và tránh lãng phí; đồng thời, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương về trình tự đầu tư, lựa chọn chủng loại, trang thiết bị CNTT; Phối hợp với các sở, ngành số hóa các dữ liệu, nhất là dữ liệu đất đai; tiến hành kiểm tra xem xét lại các kế hoạch ứng dụng CNTT, CĐS của các đơn vị đảm bảo theo yêu cầu của tỉnh. Trước mắt tập trung đào tạo nguồn nhân lực sẵn có; đầu tư tập huấn, nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ cơ sở. Trong tháng 3/2022 tổ chức tập huấn cho cán bộ làm tại bộ phận Một cửa của các sở, ngành, địa phương để số hóa thủ tục hành chính.