Thực hiện Kết luận số 50 ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang đã gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực; phát triển các sản phẩm của địa phương theo chuỗi giá trị, chú trọng tính liên ngành, liên vùng. Đồng thời tăng cường liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; liên kết nghiên cứu, ứng dụng với một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực tại địa phương.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Giang đã triển khai 6 dự án thuộc Chương trình sở hữu trí tuệ, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện 74 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh và cấp quốc gia với tổng kinh phí trên 222 tỷ đồng.
Hoạt động ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật của người dân Bắc Giang. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào ứng dụng và mở rộng trong sản xuất.
Cụ thể, Bắc Giang đã ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất cà chua bi, dưa chuột bao tử, các giống dưa mới... theo tiêu chuẩn VietGAP; hình thành vùng rau chế biến hàng hóa; các mô hình sản xuất bằng công nghệ khí canh, nhà màn… Nhiều tiến bộ kỹ thuật và quy trình VietGAP, GlobalGAP đã được áp dụng trong canh tác cây ăn quả trên địa bàn tỉnh góp phần tăng giá trị từ 20 – 30% so với giống cũ và biện pháp canh tác của người dân…
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 đạt 14%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt gần 123 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Nhận thức rõ vai trò của khoa học công nghệ trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, Bắc Giang chú trọng đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực khoa học công nghệ, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ đảm bảo mức tăng chi đạt 1,5% tổng chi ngân sách. Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nghiên cứu - ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu,...
Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang quan tâm phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ; nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ cho cả 3 đối tượng: Quyền sở hữu công nghiệp; quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền đối với giống cây trồng, nhằm phát huy tính chủ động trong xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Như vậy, với việc xác định khoa học công nghệ có vai trò động lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm tạo lập, bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương… sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.