Người dân hào hứng vào cuộc
Chị Nguyễn Thị Tuyên (phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ) hằng ngày quanh quẩn trong quầy tạp hóa tại nhà. Vài năm trước chị vẫn bảo thủ chỉ sử dụng “điện thoại cục gạch”, không tham gia mạng xã hội hoặc bất cứ phương tiện nào có kết nối Internet “vì sợ bị lừa”.
Người dân sử dụng quét mã QR khi mua hàng tại chợ trên địa bàn TP Vũng Tàu
Nhưng từ giữa tháng 6/2022, chị và nhiều hộ dân tại tổ đã được làm CCCD gắn chíp. Sau khi làm xong, chị được công an phường hướng dẫn cách cài đặt ứng dụng trên điện thoại để khai báo, cập nhật những thủ tục hành chính, tích hợp các giấy tờ như: giấy phép lái xe, BHYT vào CCCD.
Chị Tuyên nói: “Đã đến lúc người dân phải thay đổi thói quen trong việc thực hiện các TTHC, thay vì mang một mớ giấy tờ như: sổ hộ khẩu, CCCD, giấy phép lái xe đi làm trực tiếp thì hãy nghĩ ngay đến việc làm thủ tục qua môi trường internet thông qua điện thoại thông minh, máy tính. Vừa đơn giản lại vừa tiết kiệm thời gian cho mỗi người cũng như của các cơ quan nhà nước”.
Người dân tham gia CĐS không chỉ riêng vì lợi ích của bản thân. Họ còn là thành phần quan trọng trong việc xây dựng địa phương ngày càng giàu, đẹp và văn minh hơn. Ứng dụng “BRVT phản ánh hiện trường” là một giải pháp trong tổng thể thành phố thông minh là 1 trong 10 lĩnh vực đầu tiên của tỉnh được tích hợp vào IOC tỉnh.
Theo đó, khi gặp vấn đề cần phản ánh, người dân sử dụng ứng dụng “BRVT phản ánh hiện trường” kèm theo hình ảnh chụp hoặc đoạn phim quay lại sự việc để phản ánh.
Ngay lập tức toàn bộ thông tin hình ảnh, nội dung, địa điểm ghi hình cùng số điện thoại người gửi sẽ được hệ thống “BRVT phản ánh hiện trường” tiếp nhận, phân loại nội dung và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tính đến nay, ứng dụng “BRVT phản ánh hiện trường” đã nhận được hơn 1.800 phản ánh của người dân.
Theo Sở TT-TT, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã luôn chú trọng công tác cải cách hành chính gắn với CĐS theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ Chính quyền điện tử như: Dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử, tra cứu mã hồ sơ giải quyết TTHC… Đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 1.572 hồ sơ TTHC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 và 349 hồ sơ TTHC mức độ 3. Đây là giải pháp triển khai thực hiện tiếp nhận giải quyết các TTHC trên môi trường mạng, với phương châm “lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số”, là tiền đề hình thành công dân số, hướng đến Chính phủ số.
Phải làm sao để đưa nông dân vốn quen với chân lấm, tay bùn hòa nhập vào công cuộc CĐS. Đó là điều lo lắng nhất trong tiến trình CĐS của tỉnh. Nhưng bất ngờ, nhận thấy CĐS là chìa khóa mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại, vì vậy, nhiều nông dân đã sớm thực hiện số hóa với các cánh đồng, góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, nhiều nông dân đã ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ để tự động hóa việc bón phân cho cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Đồng thời chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm nông nghiệp, mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn giao dịch điện tử, hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Để nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, giúp người dân địa phương tiếp cận nhanh hơn với CĐS, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thành lập 503 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 3.000 thành viên ở các khu phố, thôn, ấp.
Ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng nòng cốt, gần dân nhất, sát nhân dân nhất. Thông qua tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân tiếp cận môi trường số, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để trở thành công dân số trong tương lai. Các thành viên của tổ này có nhiệm vụ làm cho người dân cảm nhận được giá trị, lợi ích thiết thực CĐS mang lại trong đời sống hằng ngày.
Theo đó, các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng tiếp cận người dân theo hình thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn từng người và kết hợp các hình thức phù hợp đặc thù của địa phương. Anh Hoàng Việt Trung, Bí thư Đoàn phường 7, TP. Vũng Tàu cho biết, hiện nay toàn phường 7 có 9 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 70 thành viên hoạt động thường xuyên.
Thành viên Tổ công nghệ số đến tận gia đình, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thu thập thông tin, hướng dẫn người dân tạo tài khoản, cài đặt mã code, quét mã; cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, không sử dụng tiền mặt dần trở thành thói quen trong nhân dân, hộ kinh doanh khi mua hàng, trả phí các dịch vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính của phường.
Tỷ lệ nộp và thực hiện TTHC qua dịch vụ công mức độ 3 mức độ 4 tại phường hiện đạt hơn 50% trên tổng hồ sơ tiếp nhận; gần 10.000 người dân có tài khoản ngân hàng, chiếm tỷ lệ gần 88% dân số toàn phường; 662 hộ kinh doanh thực hiện thanh toán điện tử, chiếm gần 90%.
Theo nhận định của Sở TT-TT, thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu quan trọng của CĐS. Vì vậy, ngoài hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng, cần phải thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy CĐS phát triển. Anh Nguyễn Trọng An, người dân TP.Bà Rịa cho biết, gia đình anh kinh doanh các mặt hàng gia dụng nhiều năm qua. Được ĐVTN phối hợp với ngân hàng đến tận nhà tư vấn, tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, anh đã hiểu và tham gia. “Nhiều lúc bận rộn hoặc không có tiền mặt cầm trên tay thì hình thức thanh toán bằng mã QR – code, bằng chuyển khoản, cà thẻ… rất tiện lợi. Hơn nữa các ngân hàng đều có chính sách ưu đãi, khuyến mãi nên không lo về cước phí phải thanh toán”, anh Nguyễn Trọng An nói.